Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/10
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Sử dụng 2 phương pháp định giá FCFF và P/E với tỷ trọng 50% mỗi phương pháp, BVSC xác định giá mục tiêu hợp lý cho cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX – sàn HOSE) là 57.607 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tiềm năng tăng giá 28,2%.
Chúng tôi đánh giá PLX có thể gặp phải rủi ro giảm giá dầu thô. Chúng tôi đã phản ánh rủi ro này vào mô hình định giá bằng cách hạ tỷ suất biên lợi nhuận gộp của PLX trong nửa cuối năm 2024 do chúng tôi cho rằng PLX sẽ chịu áp lực trích lập dự phòng hàng tồn kho khi giá dầu suy giảm. Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ diễn biến đi ngang so với vùng hiện tại (khoảng 70–75 USD/thùng).
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HAH
CTCK Vietcombank (VCBS)
Triển vọng tích cực với kỳ vọng giá cước vận tải container tích cực cho nửa cuối năm 2024 và 2025 khi khủng hoảng biển Đỏ vẫn kéo dài và việc đầu tư mua 4 tàu mới hiệu quả hơn so với giai đoạn đầu tư tàu vào 2022. Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An với giá hợp lý là 48.259 đồng/CP.
Luận điểm đầu tư: Kỳ vọng nửa cuối năm 2024, tỷ trọng vận tải quốc tế của HAH tiếp tục tăng khi các tàu mua mới đã được giao hết.
Bên cạnh đó, sản lượng và giá cước giao ngay phục hồi tốt cùng với xu hướng phục hồi của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Mảng cho thuê tàu định hạn cũng kỳ vọng cải thiện nhờ vào giá cước ký mới cao hơn.
Rủi ro: Nhu cầu vận tải của các thị trường xuất nhập khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc yếu kéo theo sản lượng và giá cước giao ngay giảm dẫn đến biên gộp giảm; Khủng hoảng biển Đỏ có giải pháp và các tàu quay lại tuyến kênh Suez thì thị trường sẽ quay lại tình trạng dư cung như cuối 2023 và giá cước giảm mạnh; và rủi ro pha loãng từ trái phiếu chuyển đổi.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NKG
CTCK Agribank (AGR)
Kỳ vọng kết quả kinh doanh của CTCP Thép Nam Kim (NKG – sàn HOSE) sẽ tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm nhờ: (1) Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Nam Kim (chiếm 70% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu) tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng giảm lãi suất kích thích nhu cầu từ ngành xây dựng và sản xuất ô tô; (2) Thị trường xây dựng trong nước sôi động hơn nhờ các bộ Luật Bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024 và nhu cầu kiến thiết cơ sở hạ tầng sau bão Yagi giúp nhu cầu tôn mạ nội địa gia tăng.
Hưởng lợi từ biện pháp chống bán phá giá nếu vụ việc AD19 được áp dụng: Ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng tôi kỳ vọng biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng vào khoảng cuối năm 2024 giúp sản lượng nội địa của NKG cải thiện.
Hưởng lợi từ biện pháp hỗ trợ thị trường Bất động sản tại Trung Quốc: Giá thép HRC là nguyên vật liệu đầu vào của tôn mạ đã tăng khoảng 7% sau khi Trung Quốc tung ra một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nới lỏng lệnh hạn chế mua nhà giúp gia tăng triển vọng nhu cầu sử dụng thép tại quốc gia này. Kỳ vọng giá thép Trung Quốc có thể hồi phục vào cuối năm 2024 trong bối cảnh các nhà máy cắt giảm sản lượng. NKG được hưởng lợi nhờ hàng tồn kho giá rẻ trong quý III/2024 đồng thời thép Trung Quốc tăng giá làm giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP.
N.T