Cổ phiếu blue-chips nỗ lực 'gồng' chỉ số, nhóm VHM, VIC, VRE tiếp tục tăng mạnh
Việc chốt mua cổ phiếu quỹ của VHM tiếp tục gia tăng sức mạnh cho cả nhóm mã có liên quan tăng giá tốt sáng nay. Bộ ba VHM, VIC, VRE đem lại gần 2,8 điểm cho VN-Index dù chỉ số này chốt phiên tăng 1,81 điểm. Thanh khoản nhóm này cũng chiếm tới 25,7% tổng giá trị khớp cả rổ VN30.
Thị trường sáng nay không mạnh, đúng hơn là hoạt động chốt lời quanh đỉnh 1300 điểm vẫn tiếp tục kiềm chế đà tăng. VN-Index đạt đỉnh ngay vài phút sau khi mở cửa, tăng 9,28 điểm (+0,72%) lên mức 1297,67 điểm. Tuy nhiên toàn thời gian còn lại là một nhịp trượt giảm rõ ràng. Chỉ số chốt phiên chỉ tăng 1,81 điểm (+0,14%) so với tham chiếu.
Diễn biến trượt giảm có sự hậu thuẫn của số đông cổ phiếu cũng trượt giảm theo chứ không chỉ riêng chỉ số. VN-Index so với đỉnh đầu phiên đã giảm khoảng 0,58% nhưng cổ phiếu có tới 147 mã trượt giảm quá 1% so với đỉnh, tương đương 42,2% tổng số cổ phiếu phát sinh giao dịch. Riêng rổ VN30 cũng có 11/30 mã tụt hơn 1%.
Điều này cho thấy hoạt động đè nén ở các trụ có ảnh hưởng lớn tới chỉ số. Lấy ví dụ VHM, chốt phiên sáng vẫn là trụ mạnh nhất của VN-Index khi tăng 3,9% nhưng thực chất đã tụt giảm 2,37% so với đỉnh. VHM đang trong nhịp tăng mạnh và vốn hóa đã nhảy lên vị trí thứ 4 trong VN-Index. VIC đang tăng 1,91% nhưng cũng đã phải trả lại 1,84% so với đỉnh. VRE ít nhất, đã trả lại 1,53%, còn tăng 1,58% so với tham chiếu. Độ trượt giá của VRE ảnh hưởng khá hạn chế vì mã này khá nhỏ, nhưng bên tạo sức ép có thêm các trụ như FPT trượt giảm 1,49% và đảo chiều thành giảm 0,29% so với tham chiếu. VPB cũng mất 1,44% thành giảm 0,97%. MSN mất 1,83% thành giảm 0,62%.
Dù vậy độ rộng của rổ VN30 vẫn còn khá với 10 mã tăng/13 mã giảm, chỉ số tăng 0,11%. Trong Top 10 vốn hóa còn 5 mã tăng bao gồm cả hai trụ lớn nhất là VCB và BID. Trong 5 mã giảm thì mức độ giảm chưa mạnh, nhiều nhất là VPB -0,97% còn lại đều dưới -0,3%.
Thanh khoản nhóm VN30 cũng đã thu hẹp thị phần, chỉ còn chiếm 46,7% tổng giá trị khớp lệnh của sàn HoSE. Tuần trước tỷ trọng thanh khoản bình quân của rổ lên tới 54,7% và có 3 tuần liên tiếp đều trên 50%. Việc giảm thanh khoản cũng có một phần lý do giao dịch chậm lại ở VHM, MSN và FPT.
Mặc dù theo thống kê phía trên biên độ trượt giảm của cổ phiếu trong VN-Index là khá lớn (42,2% tổng số cổ phiếu trượt giảm quá 1%), nhưng độ rộng cũng chưa quá xấu. Sàn HoSE kết phiên với 142 mã tăng/201 mã giảm. Tại đỉnh chỉ số ghi nhận 224 mã tăng/64 mã giảm, lúc 10h30 là 179 mã tăng/148 mã giảm, lúc 11h còn 142 mã tăng/204 mã giảm. Diễn biến này cho thấy cổ phiếu trượt giá tăng dần theo thời gian, bù lại ban đầu biên độ tăng khá tốt nên còn nhiều cổ phiếu mới là thu hẹp mức tăng chứ chưa đến ngưỡng đảo chiều đỏ.
Trong 201 mã đỏ hiện có 69 mã giảm quá 1% với thanh khoản chiếm 23,9% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Thực tế giao dịch chỉ tập trung vào 10 cổ phiếu hàng đầu (chiếm 87% thanh khoản cả nhóm) và là những mã duy nhất khớp quá 50 tỷ đồng. Dẫn đầu là EIB với 470,1 tỷ đồng, giá giảm 5,5%; VIX với 258,1 tỷ, giá giảm 2,94%; TCH với 355,7 tỷ, giá giảm sàn 6,84%; GEX với 109,8 tỷ, giá giảm 1,43%.
Phía tăng giá cũng có 50 mã đang tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm 24,4% sàn. VHM, VIC, VRE dĩ nhiên nằm trong top đầu về thanh khoản, ngoài ra có SSI với 243,5 tỷ, giá tăng 1,28%; DBC với 171 tỷ, giá tăng 1,82%; GVR với 98,6 tỷ, giá tăng 2,25%...
Như vậy quá nửa thanh khoản thị trường lẫn số lớn cổ phiếu vẫn nằm trong diện dao động biên độ hẹp. Không có nhóm cổ phiếu nào nổi trội mà sự phân hóa mạnh diễn ra ngay trong nội bộ nhóm ngành. Ví dụ chỉ số VNREAL sàn HoSE tăng tới 1,12% nhưng chủ đạo là nhờ nhóm VHM, VIC, VRE, thậm chí số mã giảm trong chỉ số này còn nhiều gấp đôi số tăng. Cổ phiếu chứng khoán cũng vậy, SSI, SHS tăng tốt thì cũng khá nhiều mã đỏ và số còn lại tăng không đáng kể. Ngân hàng có 7/27 mã còn xanh thì phía giảm cũng chỉ 6/27 mã.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng khá mạnh 354,3 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào FPT -110,7 tỷ, VPB -56,9 tỷ, EIB -56 tỷ, MSN -45,5 tỷ. Bên mua ròng có VHM +78 tỷ, TCB +38,2 tỷ là nhiều.
Kim Phong