Có gì đáng lưu ý trong dư nợ cho vay của EVNFinance?
So với báo cáo tài chính quý II doanh nghiệp tự lập, báo cáo bán niên 2024 soát xét của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance - mã: EVF) có số liệu về kết quả kinh doanh sau kiểm toán không thay đổi.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong nửa đầu năm đạt 760,7 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập lãi và các khoản tương tự đạt 1.176,8 tỷ đồng, gấp 1,2 lần năm ngoái trong khi chi phí lãi lại giảm hơn 14%.
Nửa đầu năm, lãi thuần từ hoạt động khác của EVNFinance ở mức 35,6 tỷ đồng, giảm 20%. Thu nhập ngoài lãi đóng góp một phần doanh thu cho công ty tài chính này, nhưng chủ yếu từ dịch vụ. Riêng mảng mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 344 tỷ đồng.
Kết quả, EVNFinance báo lãi trước thuế hơn 310 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, công ty tài chính này báo lãi sau thuế 249 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với nửa đầu năm 2023.
Đáng chú ý trong báo cáo này là giao dịch giữa EVNFinance và người có liên quan.
Năm 2018, theo quy định của Chính phủ, EVN đã thoái vốn tại EVNFinance. Đến cuối năm 2020, EVN đã hoàn tất toàn bộ quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này sau khi bán nốt 2,65 triệu cổ phần.
Hiện, Chủ tịch EVNFinance là ông Phạm Trung Kiên.
Vốn điều lệ công ty tăng từ mức ban đầu 2.500 tỷ đồng lên hơn 7.042 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm 31/12/2023, cổ đông trong nước nắm giữ 99,55% cổ phần, cổ đông nước ngoài chỉ sở hữu 0,45%.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông EVNFinance pha loãng đáng kể khi số lượng cổ đông tổ chức lên tới 56 đơn vị nhưng chỉ nắm 17,43%, còn lại cá nhân nắm 82,57% với 55.774 cổ đông.
Báo cáo thường niên 2023 của EVNFinance không đề cập chi tiết cổ đông tổ chức nắm giữ cổ phần tại công ty.
Trong khi đó, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm nay, EVNFinance thể hiện có phát sinh giao dịch (chứng chỉ tiền gửi hoặc hoạt động cho vay) với một số công ty có liên quan trong "hệ sinh thái" Amber hay Amya Holdings.
Cụ thể, trước đó, ông Lê Mạnh Linh, Phó chủ tịch HĐQT của EVNFinance là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber. Công ty quản lý quỹ này sở hữu hơn 3,7 triệu cổ phiếu EVF, tương đương 0,525% vốn tại ngày 1/1. Tuy nhiên, EVNFinance cho biết kể từ ngày 4/4/2024, Công ty cổ phần quản lý quỹ Amber không còn là người có liên quan tới EVNFinance.
Tương tự, Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber cũng phát sinh giao dịch với EVNFinance. Thành viên HĐQT của EVNFinance là người điều hành Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber. Tuy nhiên, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 cũng thể hiện Quỹ đầu tư trái phiếu an toàn Amber cũng không còn là người liên quan với EVNFinance từ ngày 5/4/2024.
Ngoài ra, báo cáo quản trị EVNFinance cũng thể hiện phát sinh giao dịch với Công ty cổ phần Amya Holdings với số dư cho vay hơn 356 tỷ đồng. Thành viên HĐQT của EVNFinance là thành viên HĐQT của Amya Holdings.
Trong báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu vấn đề cần nhấn mạnh là lưu ý khoản Cho vay khách hàng và Góp vốn, đầu tư dài hạn của công ty có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác.
Đối với khoản mục Góp vốn, đầu tư dài hạn của EVNFinance ghi nhận hơn 1.835 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2024, gấp 1,8 lần cuối năm 2023. Trong đó, EVNFinance đã phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư gần 48 tỷ đồng (gấp 5,6 lần đầu kỳ).
Khoản mục này cũng có đặc điểm khiến đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, đó là Đầu tư góp vốn vào các công ty từ ngày thành lập có khoản mục phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và chưa phát sinh hoạt động kinh doanh đáng kể (hơn 1.137 tỷ đồng).
Đồng thời, đầu tư góp vốn (626 tỷ đồng) vào các công ty là khách hàng vay của EVNFinance với tổng số dư nợ tại thời điểm 30/6/2024 lên tới 7.696 tỷ đồng.
Còn với khoản Cho vay khách hàng của EVNFinance tại thời điểm cuối tháng 6/2024 đạt mức 37.969 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản và tăng hơn 13% so với cuối năm 2023.
Về chất lượng nợ cho vay, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đều giảm mạnh so với cuối năm 2023, về lần lượt còn gần 26 tỷ và 44 tỷ đồng. Riêng nợ dưới tiêu chuẩn tăng đáng ngại khi gấp 2,7 lần lên 200 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay khách hàng trước khi trích lập dự phòng rủi ro là 37.968,6 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản. So với thời điểm cuối năm 2023, khoản mục này tăng 13,2%. Trong đó, 34.663,8 tỷ đồng cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và 3.304,8 tỷ đồng cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư.
Phân chia theo lĩnh vực, dư nợ cho vay của EVNFinance liên quan tới bất động sản khá lớn. Cụ thể, công ty có 11.369,1 tỷ đồng cho vay ngắn hạn góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai dự án bất động sản dài hạn với tài sản đảm bảo là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, EVNFinance cũng có tới 24.901 tỷ đồng là khoản cho các nhóm khách hàng vay hoặc có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc.
Đồng thời, EVNFinance có hơn 11.606 tỷ đồng là các khoản cho vay liên quan đến các dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính.
Đáng chú ý, EVNFinance cũng có hơn 29.747 tỷ đồng là các khoản cho vay được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định giá trong nhiều năm.
Thanh Hoa