Chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Khát khao mang nguồn tài chính bền vững đến doanh nghiệp Việt
Nỗ lực tìm lời giải “cơn khát” về vốn cho doanh nghiệp
Là một Việt kiều yêu nước nên dù đã ổn định cuộc sống bên Mỹ nhưng TS.Nguyễn Trí Hiếu vẫn luôn ngóng trông về quê nhà. Cũng chính vì lẽ đó, năm 1991, ông đã trở về Việt Nam với mong muốn khơi dậy một nền tảng kinh doanh bền vững cho các DN Việt.
Thời điểm này, kinh tế trong nước mới manh nha phát triển theo nền kinh tế thị trường. Khi đó, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn và phải tự bươn chải. Xác định vốn là nhu cầu thiết yếu và quan trọng số 1 của doanh nghiệp, năm 1995, với vai trò Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Deutsche Banks của Đức chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh, TS.Nguyễn Trí Hiếu đã mang đến cho doanh nghiệp Việt những cơ hội đầu tiên về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Năm 2005, ông tiếp tục phát triển một ngân hàng ở Mỹ để cung cấp tài chính cho doanh nghiệp. Đây có thể nói là ngân hàng đầu tiên của người Việt mở ở nước ngoài với cái tên First Vietnamese American Bank. Năm 2009, ông bán ngân hàng này và quyết định về Việt Nam để hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp tại quê hương.
Suốt 15 năm làm việc tại Việt Nam, ông đã hỗ trợ, cung cấp vốn cho doanh nghiệp với danh nghĩa Hội đồng quản trị 2 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) và Ngân hàng OceanBanks (OJB), và vai trò chuyên gia về chính sách, cố vấn cấp cao của 6 ngân hàng khác.
Trong thời gian này, ông làm việc với các khối doanh nghiệp và hỗ trợ trong việc vay vốn, tái thiết doanh nghiệp để làm ăn và phát triển. Ngoài ra, với vai trò Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vốn của Viện Khoa học Quản trị thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam và Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, ông đã tư vấn, hỗ trợ DNNVV về tài chính để có nguồn tài chính bền vững, vực dậy phát triển DN trong thời điểm vô cùng khó khăn hiện nay.
Qua tìm hiểu, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận thấy đối tượng DNNVV chiếm tới trên 95% tổng số DN tại Việt Nam nhưng họ gặp khó khăn rất lớn về vốn, thị trường và công nghệ. Theo ông, phần lớn các DN mới khởi nghiệp sẽ thất bại 3 năm đầu và một trong các nguyên nhân là thiếu vốn; Quản trị không tốt; Không có kế hoạch kinh doanh nên không đủ sức cạnh tranh với thị trường và bị thị trường đào thải. Thực tế, có tới 95% DN khởi đầu thất bại trong 3 năm đầu khởi nghiệp. Mặc dù, DNNVV là đối tượng được hưởng ưu đãi nhưng họ khó tiếp cận các chính sách ưu đãi từ Chính phủ về cả ba lĩnh vực kể trên. Trong số đó, có các DN xuất khẩu nhưng họ rất khó đi vào thị trường thế giới do không hiểu rõ và nắm vững thông lệ quốc tế.
“Hiện, chúng ta đã ký kết 19 Hiệp định thương mại và các văn bản pháp luật này ràng buộc Việt Nam vào các quy định, điều kiện rất khắt khe. Và thực tế, rất nhiều đơn hàng của chúng ta bị trả về vì không đáp ứng các điều kiện, quy định quốc tế đưa ra về pháp lý, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Chưa kể, nhiều DN không hiểu các quy định của quốc tế nên không thể cạnh tranh với DN của quốc gia khác” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, DN Việt mặc dù đã có những nỗ lực, sự cố gắng rất lớn để đối phó với khó khăn, thách thức nhưng vẫn mang tính chất manh mún do không được đào tạo căn bản về quản lý, pháp lý, tài chính… Nghiên cứu của IFC (công ty con của WB) về quản trị DN cho thấy, trên phương diện này các DN Việt thuộc loại thấp trên thế giới và thua kém cả các quốc gia xung quanh chúng ta.
“Liên quan đến vấn đề quản trị, các lãnh đạo của Việt Nam thường không phân biệt rõ giữa quản trị và quản lý. Chẳng hạn HĐQT chuyên lo về vấn đề quản trị, họ đưa ra các chiến lược, sách lược cho công ty hoạt động. Sau khi xây dựng, họ giao cho Ban điều hành thực hiện và họ đứng qua một bên giữ vai trò quản trị, giám sát Ban điều hành và không can thiệp vào việc quản lý. Nhưng ở Việt Nam, việc phân định không rạch ròi vai trò và trách nhiệm giữa quản trị và quản lý, vô hình chung, HĐQT can thiệp cả vào công việc của Ban điều hành. Điều này đi ngược lại với xu hướng của thế giới hiện đại.
Còn đối với các DN nhỏ, thường thì họ không có những kế hoạch dài hạn. Rất nhiều DN được thành lập với số vốn rất ít ỏi, thị trường thì rộng lớn nên họ gặp phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng kế hoạch dài hạn để vượt qua lại không có. Đó là những yếu điểm cơ bản, cố hữu của DN Việt. Một điểm nữa cũng phải đề cập đến là tính tuân thủ pháp luật của DN Việt rất kém. Các DN luôn có xu hướng làm sao để “lách luật”, tạo ra một thông lệ cứ “có luật” là phải tìm cách để “lách”. Chính điều này đã cản trở chúng ta phát triển và phát triển bền vững!” – TS.Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Theo TS.Nguyễn Chí Hiếu: Để phát triển, các thông tin phải trung thực, chính xác và rất minh bạch, nhất là đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Với tinh thần đó, ông luôn áp dụng các nguyên tắc này vào công việc. Cụ thể, khi giao tiếp với DN, ông luôn tôn trọng pháp luật, tuân thủ pháp luật, tạo niềm tin cho đối tác khi làm việc với ông.
“Quan trọng nhất đối với DN là phải xây dựng cho mình kế hoạch để phát triển. Đối với các DN Việt khi mới thành lập, nhiều chủ DN có ý tưởng rất tốt, họ cũng nghĩ ra được các sản phẩm tốt để ra thị trường, nhưng sau đó do không có kế hoạch phát triển cụ thể (3 năm, 5 năm, 10 năm…), nên thường bị rơi vào tình trạng phải đối phó với khó khăn ập đến mà không có kế hoạch dự phòng để xử lý. Hiển nhiên, DN không thể hoạt động theo kiểu “tới đâu hay tới đó”, mà phải có một chương trình, định hướng để phát triển. Đây chính là điều mà Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và Bất động sản Toàn Cầu mong muốn giúp đỡ các DN, bằng việc đưa ra các chương trình đào tạo để họ lên một kế hoạch về vốn, thị trường, sản phẩm, để giúp các DN lập kế hoạch phát triển và quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường TÀI CHÍNH và Bất động sản Toàn Cầu Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Vì sự phát triển bền vững!
Khi quan sát hoạt động của các DN, TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận thấy tại nhiều DN và các hộ kinh doanh không có sự rành mạch giữa tài chính cá nhân của các ông chủ với tài chính của DN. Rất nhiều cơ sở kinh doanh chỉ có một tài khoản cá nhân của chủ cơ sở kinh doanh. Tất cả các thu chi đều sử dụng tài khoản này. Trong trường hợp này, chủ cơ sở kinh doanh rất dễ sử dụng tài khoản cho nhu cầu cá nhân của mình, đồng thời nữa họ có thể đưa các chi phí riêng của mình vào chi phí của cơ sở kinh doanh. Như vậy, về mặt thuế đã không ổn, về tài chính cũng vậy, nếu không rạch ròi về tài chính sẽ rất dễ đưa DN vào khó khăn. Cuối cùng dẫn đến mất thanh khoản và khó khăn cho DN. Đây là vấn đề DN nên quan tâm, nên có sự rành mạch về tài chính, báo cáo tài chính và sử dụng tài chính.
Bản thân ông thường xuyên tham gia các diễn đàn để mang tiếng nói của DN, đặc biệt là các DNNVV đến Chính phủ. Trên nhiều diễn đàn, ông đã phản ánh những khó khăn thực tế của DN, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho họ.
Thời gian qua, có hai vấn đề mà ông đề xuất: Một là Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD). Theo Nghị định 34/2018, đây là Quỹ bảo lãnh của địa phương. Những Quỹ này vận hành theo quy trình là khi DN đến vay NH mà DN không đáp ứng những điều kiện cho vay của NH, chẳng hạn không có tài sản đảm bảo hay báo cáo tài chính không đáng tin cậy và do đó DN không đủ điều kiện vay thì Quỹ BLTD sẽ đứng ra bảo lãnh cho DN đến NH vay tiền và bảo đảm với NH trong trường hợp DN không đủ điều kiện trả nợ cho NH thì Quỹ này sẽ đứng ra bồi thường cho NH. Quỹ này cũng gần như một loại bảo hiểm, hầu như các nước tiên tiến đều có và triển khai rất hiệu quả.
Ở Việt Nam, Nghị định 34 cũng quy định về Quỹ BLTD ở địa phương nhưng vốn điều lệ của nó rất nhỏ. Và Nghị định này đòi hỏi Quỹ BLTD hoạt động với nguyên tắc bảo toàn vốn điều lệ của Quỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Quỹ BLTD không được phép làm mất vốn khi BL cho DN. Mà nếu như thế, Quỹ BLTD sẽ không dám bảo lãnh cho DN nào. Điều này lại đi ngược lại với mục đích của Quỹ, vì khi đã bảo lãnh phải chấp nhận rủi ro. Mà đã rủi ro thì phải chịu thất thoát về vốn. Chính điều này dẫn đến các Quỹ BLTD của ta hoạt động không hiệu quả vì sự “chéo cẳng ngỗng” đó. Do đó, ông đã đề nghị sửa đổi Nghị định 34 và tăng vốn cho Quỹ BLTD địa phương. Hơn thế nữa, theo TS. Hiếu, chúng ta cần Quỹ BLTD Trung ương có vốn điều lệ đủ lớn để có thể BL cho tất cả các DN trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất thành lập các tổ hợp tín dụng (THTD) để hỗ trợ cho DN. Ví dụ, trong trận bão YAGI vừa qua, DN bị thiệt hại rất nặng nề. Các địa phương nên thành lập các THTD, tức là một nhóm các NH chung tay lại với nhau đưa ra các chương trình hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Thực tế, chúng ta đã có các chương trình đồng tài trợ, đồng cho vay và chúng ta nên sử dụng các chương trình đó để hỗ trợ DN. THTD này được sử dụng rất phổ biến trên thế giới vì một NH không đủ để cho vay nhưng nhiều NH hợp lại sẽ có nguồn vốn rất lớn, và rủi ro sẽ được chia sẻ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: “Pháp luật là quy định cho một sân chơi. Một xã hội chỉ có thể được vận hành trôi chảy khi có hệ thống các quy định và ai cũng phải tuân thủ các quy định đó, để có được sự công bằng. Chứ giờ ai cũng không tuân thủ pháp luật, họ “xé rào” để trở thành những người có lợi hơn những người khác thì trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, không có sự công bằng. Để xã hội phát triển, tất cả mọi người đều phải “thượng tôn pháp luật”. Trong một cuộc chơi chung, tất cả cùng tuân thủ sẽ tạo ra một sự công bằng, tạo xã hội phát triển một cách nhanh chóng và bền vững!”.
Với những nỗ lực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen năm 1997 vì những đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Cá nhân ông cũng được vinh danh tại nhiều hội thảo, chương trình của Chính phủ. Gần đây nhất, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông vinh dự được tặng Giấy khen “Doanh nhân kiều bào tiêu biểu” của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Ngoại giao) trao tặng.
Đoan Trang