Chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán (*): Mạnh tay với thao túng, làm giá cổ phiếu
Trong nỗ lực minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin nhà đầu tư sau hàng loạt vụ án về thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Thành Nhân... cũng như đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động giao dịch. Tuy vậy, những vi phạm về thao túng vẫn liên tục xảy ra.
Phải chặn từ gốc vi phạm
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 cá nhân cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) đối với cổ phiếu GKM (Công ty CP GKM Holdings). Trước đó, hồi tháng 8-2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng về hành vi thao túng TTCK mã cổ phiếu CMS của Công ty CP Tập đoàn CMH Việt Nam. Vụ việc diễn ra trong thời gian từ tháng 5-2023 đến tháng 5-2024, tức sau các vụ án lớn của Trịnh Văn Quyết và Đỗ Thành Nhân bị phanh phui.
Thị trường thỉnh thoảng vẫn xuất hiện việc các cá nhân bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt từ vài trăm triệu đến một vài tỉ đồng cũng vì liên quan đến thao túng chứng khoán nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.
Ngoài ra, thị trường cũng có không ít cổ phiếu tăng kịch trần hoặc giảm kịch sàn nhiều phiên liên tiếp nhưng nhà đầu tư và cả lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đều nói không biết nguyên do từ đâu. Điều này khiến nhiều người vẫn xem TTCK là một trò chơi may rủi hay một sòng bạc vì lời lỗ không đến từ nội tại doanh nghiệp hay sự phát triển của nền kinh tế. Và trong bối cảnh thị trường đi xuống không lý do, nhà đầu tư càng tin rằng đang có những "bàn tay vô hình" điều khiển, ép giá cổ phiếu, khiến thị trường đỏ điểm, đi ngược xu hướng chung của nền kinh tế cả trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, để góp phần tăng tính minh bạch của thị trường, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, để TTCK thực sự là "hàn thử biểu" của nền kinh tế, cần có thêm công cụ phát hiện, ngăn chặn những sai phạm. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thêm nhiều chương trình đào tạo để nhà đầu tư hiểu chứng khoán là nơi huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. Các nhà đầu tư tham gia đủ lâu, dài, nắm giữ cổ phiếu để hưởng thu nhập của công ty, chứ không phải mua thấp, bán cao như hiện nay. Khi đó, chứng khoán mới phát triển bền vững và thật sự trở thành "hàn thử biểu", đáp ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Còn hiện tại, đa số các nhà đầu tư tham gia chứng khoán chủ yếu để đầu cơ nên tỉ lệ thua lỗ nhiều.
Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý cần tiếp tục minh bạch, làm sạch thị trường bằng những quy định, cơ chế giám sát mang tính chế tài, răn đe, phát hiện được bất thường. Đơn cử, quy định phải công khai về sổ lệnh giao dịch chứng khoán để phát hiện những mã cổ phiếu nào đang bị làm giá, những lệnh mua bán có dấu hiệu bất thường. Công khai sổ lệnh không phải nêu tên cụ thể của nhà đầu tư, lộ thông tin cá nhân mà để thị trường, cơ quan nghiên cứu độc lập có thông tin, biết được dòng tiền đang đi thế nào, mã cổ phiếu nào có giao dịch bất thường? "Cơ quan quản lý có thể ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào để phát hiện được những giao dịch bất thường. Từ đó, có thể xác định được những giao dịch nội gián, làm giá và thao túng giá. Mỗi mã cổ phiếu, lượng giao dịch một ngày rất lớn, cả thị trường có cả ngàn mã cổ phiếu, một người bình thường rất khó phát hiện. Nhưng nếu ứng dụng công nghệ sẽ thấy giao dịch bất thường, từ đó điều tra, phát hiện sai phạm từ gốc và ngăn chặn" - ông Huân phân tích.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhất trí với một giải pháp đơn giản là cổ đông lớn phải công bố thông tin. Nếu chưa công bố, sẽ không được phép đặt lệnh và cơ quan quản lý sẽ không duyệt lệnh mua - bán này. Nếu áp dụng được những giải pháp này sẽ lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Chưa xuất hiện đáy?
Trở lại với TTCK ở hiện tại, phiên giao dịch ngày 19-11, VN-Index tiếp tục giảm mạnh gần 12 điểm, lùi sâu về sát vùng 1.200 điểm. Loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ khiến nhà đầu tư hoang mang. Nhiều nhà đầu tư tham gia "bắt đáy" cổ phiếu phiên 18-11 đã tiếp tục lỗ nặng.
Trong khi đó, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng, khiến nhà đầu tư trong nước chỉ biết than trời. Chỉ trong 3 phiên giao dịch gần nhất, họ đã bán ròng tới hơn 3.500 tỉ đồng, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. Nhiều người còn tự hỏi "khối ngoại đang chốt lời hay tháo chạy?".
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỉ trọng giao dịch của khối ngoại hiện khá thấp, chỉ 8%-9% tổng giao dịch toàn thị trường. Nhưng nhà đầu tư xem tiền của nhà đầu tư nước ngoài là "dòng tiền thông minh" nên họ cứ bán ra liên tục làm cho nhà đầu tư nội lo lắng, không biết chuyện gì sắp xảy ra. "Tinh thần của nhà đầu tư lúc này đã xuống rất thấp, chỉ cần khối ngoại quay lại mua ròng 1 đến 2 tuần, xu hướng của thị trường chắc chắn sẽ khác" - chuyên gia này nhận xét.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng khối ngoại dù chiếm tỉ trọng giao dịch không lớn nhưng lại đang nắm vai trò dẫn dắt xu hướng dòng tiền. "Các nhà đầu tư trong nước chủ yếu là cá nhân nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về tài chính, thị trường nên thường mua bán cổ phiếu theo tin đồn, dễ bị dẫn dụ bởi tâm lý đám đông. Khi khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư cá nhân cũng bị tác động lớn" - ông Hiếu nói.
Ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng, nhìn nhận TTCK Việt Nam hiện nay đang có một số vướng mắc. Đó là vấn đề thanh khoản và sự luân chuyển của dòng vốn trong nền kinh tế. "Thị trường hiện không có nhiều lựa chọn mới để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Một phần là do những giới hạn về vấn đề tỉ lệ sở hữu của khối ngoại, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vẫn còn dang dở. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào TTCK không dồi dào như trước" - ông Chen Chia Ken nói.
___________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-11
THÁI PHƯƠNG