Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách
Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ, tiện ích trong hoạt động cho vay tín dụng chính sách (TDCS). Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Từ đầu tháng 10/2024, NHCSXH tỉnh bắt đầu triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách (QLTDCS) trên thiết bị di động tại các đơn vị trực thuộc chi nhánh. Đồng chí Vũ Hoài Nam, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Ứng dụng QLTDCS là một trong những sản phẩm đã khẳng định tính ưu việt, hiệu quả trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị. Thông qua ứng dụng, giúp hỗ trợ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai hoạt động TDCS; cung cấp thông tin về các chương trình cho vay; quy trình cho vay; các dịch vụ và ưu đãi của NHCSXH; công tác kiểm tra, giám sát TDCS; cơ sở dữ liệu cho vay, cả lãi và gốc của khách hàng, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng; thông tin xử lý nợ bị rủi ro; các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, điển hình; giáo dục tài chính cá nhân, giáo dục số...
Bên cạnh đó, các số liệu, hoạt động của các tổ chức hội và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được cập nhật kịp thời, chính xác. Qua đó giúp người dùng nắm bắt nhanh chóng thông tin hoạt động TDCS trên địa bàn. Đến hết tháng 10/2024, toàn Chi nhánhNHCSXH tỉnh đã hoàn thành tập huấn, hướng dẫn tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng QLTDCS. Đối với mạng lưới tổ TK&VV, các đơn vị tập trung hướng dẫn tổ trưởng cài đặt và thực hiện giao dịch thực tế trên ứng dụng. Mục tiêu đến hết tháng 12/2024, phấn đấu ít nhất có 80% tổ trưởng tổ TK&VV thực hiện nộp lãi và tiền tiết kiệm của tổ viên trên ứng dụng QLTDCS.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh nhấn mạnh: Việc minh bạch hóa thông tin TDCS góp phần giúp thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, lãnh đạo, cán bộ NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, trưởng thôn (xóm, tổ dân phố) nắm bắt được hiệu quả trong quá trình hoạt động, giám sát, quản lý, điều hành TDCS xã hội. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Tổ TK&VV được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH. Từ đó nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, nhất là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Được biết, để đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động TDCS, từ tháng 12/2022, NHCSXH đã triển khai dịch vụ Mobile banking đến cán bộ, nhân viên và khách hàng. Dịch vụ này được cung cấp đến khách hàng cá nhân dưới hình thức ứng dụng trên thiết bị di động mang tên VBSP Smartbanking. Ứng dụng giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, tra cứu thông tin tài khoản tiền gửi mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng như trước đây. Theo thống kê của chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến nay, bên cạnh cán bộ, nhân viên trong hệ thống NHCSXH, đã có gần 2 nghìn khách hàng trên địa bàn tỉnh cài đặt và sử dụng ứng dụng VBSP Smartbanking.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác TDCS sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tế việc triển khai của các đơn vị trực thuộc, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dùng. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động TDCS, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng.
Viết Đào