1. Chứng khoán

Chứng khoán tuần mới (từ 7/10 đến 11/10): Vẫn chờ 'gió Đông'?

Điều chỉnh nhẹ

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index dừng chân tại mốc 1.270 điểm, giảm hơn 20 điểm, tương đương 1,57%. Thanh khoản đã tăng mạnh trở lại, tương đương với thời điểm đầu năm 2024 và tháng 5, tháng 6.

Dòng cổ phiếu ngân hàng, sau một thời gian kéo thị trường test lại đỉnh 1.300, thậm chí đã có lúc vượt đỉnh (đạt 1.302 điểm trong phiên sáng ngày 1/10, song đã bị bán ngược lại vào phiên chiều).

Kết tuần, các cổ phiếu lớn như VCB, CTG, BID đều điều chỉnh với mức độ mạnh nhẹ khác nhau, từ 0,2-3,8%. Nhóm ngân hàng TMCP có vốn hóa lớn như TCB, ACB, MBB cũng điều chỉnh. Ngược dòng là VPB, SSB, TPB với mức tăng từ 1-3%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng điều chỉnh nhẹ với SSI -1%, VND -3,62%, HCM -1,4%. Nhóm thép chủ yếu đi ngang với HPG +0,58%, HSG +0,485, NKG -0,69, VGS -2,86%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có tuần giao dịch thất vọng khi đa số giảm mạnh với CEO, DIG, PDR, NVL, NLG, KDH giảm từ 4-8%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực khi giá dầu bật tăng mạnh với PVB +3%, PVS +1,97%, PVD +1,65%...

Theo bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, chuyên gia tư vấn thuộc Công ty CK VietCap, tuần qua VN-Index lùi về hỗ trợ MA20 ngày sau nhiều lần kiểm định 1.300 không thành công. Hỗ trợ gần nhất quanh 1.266, xa hơn là 1.255-1.245, kháng cự vẫn không đổi quanh 1.300-1.310.

Giai đoạn vừa rồi kéo ngân hàng khá quyết liệt và hầu hết các ngân hàng đều chạm cản nên áp lực chốt lãi ở ngân hàng làm thị trường điều chỉnh là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, dòng tiền “đứng ngoài quan sát” vẫn chưa đủ tự tin để vào lệnh, khiến cho thị trường khá khó chịu vào giai đoạn này.

Vẫn chờ “gió Đông”

Tuần qua, tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều biến động khó lường. Đầu tiên là thông tin về chiến sự Trung Đông và OPEC chủ động cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu Brent và WTI tăng mạnh. Đây cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2023.

Bên cạnh đó, một số cuộc đình công tại các cảng biển lớn ở Hoa Kỳ đã gây nhiều mối lo ngại đến tác động chuỗi cung ứng. Điều này có thể đẩy giá cả tăng vọt, ảnh hưởng đến lạm phát do giá cả tăng như ô tô và hàng nông sản, đặc biệt khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần. Cuộc đình công đã gây thách thức với Chính phủ nước này, câu hỏi đặt ra là đàm phán liệu có giảm bớt thiệt hại hay không?

Trong nước, một thông tin rất tích cực là GDP quý III tăng trưởng 7,4%, tăng mạnh so với những dự báo gần đây. Dư nợ tín dụng đến hết quý III ước tính tăng trưởng 8,53%, cao hơn so với tốc độ cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 7, tổng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng là 6.838 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 4,68% dù lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp trong thời gian dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt hơn 83%. Điều này cho thấy lãi suất huy động thấp nhưng tăng trưởng tiền gửi vẫn gia tăng, kèm theo tỷ lệ giải ngân cho vay duy trì ở mức tích cực giúp hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.

Ngoài ra, Thông tư 68 của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được công ty chứng khoán hỗ trợ đặt mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền ký quỹ, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhóm nhà đầu tư nước ngoài này để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu theo thỏa thuận... Điều này giúp thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài và hỗ trợ cho lộ trình nâng hạng thị trường trong năm tới.

Theo Giáo sư Quách Mạnh Hào (Đại học Lincoln, Vương quốc Anh), thời điểm cuối tháng 9 (cuối quý III), lãi suất liên ngân hàng tăng đáng kể, song đến ngày đầu tháng 10 đã giảm lại. Điều này chứng tỏ áp lực cuối quý đã qua và tiền hiện dư thừa và quay lại về hệ thống. Lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng không biến động nhiều.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp và khó thấp hơn, thanh khoản dồi dào, diễn biến tỷ giá tăng nhẹ... không gây lo ngại lên thị trường. Tuy nhiên, động lực chính của thị trường là các ngân hàng phải “bơm tiền” để đẩy tăng trưởng tín dụng cũng đã qua.

Nhìn trên đồ thị kỹ thuật, có thể thấy xu thế tăng chưa kết thúc, song đã yếu đi. Những nhà đầu tư trading theo lối “an toàn” đã phải bán bớt cổ phiếu khi chạm vùng 1.300 điểm, chờ cơ hội giải ngân mới. Còn nhà đầu tư dài hạn có thể canh thị trường điều chỉnh về 125x có thể giải ngân.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, chia sẻ: “Sau tín hiệu điều chỉnh trong tuần qua, tôi vẫn giữ kỳ vọng về khả năng nhóm ngân hàng sẽ duy trì vai trò quan trọng để đưa VN-Index tiếp tục xu hướng tăng. Tuần qua, cả thị trường bị bán mạnh nhưng nhóm ngân hàng lại có sự khác biệt, khi nhóm này chỉ chịu áp lực bán không quá mạnh và vẫn giữ được xu hướng tăng, thậm chí dòng tiền dịch chuyển qua các cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ. Tín hiệu này cho khả năng chỉ là lực bán chốt lời từ nhỏ lẻ sau một nhịp tăng khá, chứ không phải tín hiệu thoát hàng của dòng tiền lớn. Do đó, tôi kỳ vọng nhóm này sẽ không gãy xu hướng và tiếp tục làm nhiệm vụ kéo chỉ số khi thị trường hồi phục”.

Còn theo một chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán VPS, dù tuần qua thanh khoản thị trường đã tăng, song chưa đủ lực để kéo VN-Index vượt 1.305 điểm. Trong tháng 10, chuyên gia này kỳ vọng thanh khoản tiếp tục tăng lên 30 nghìn tỷ đồng, thậm chí hơn và các dòng cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, thép... sẽ kéo mạnh để thị trường có thể bước vào một chu kỳ tăng mới.

Minh Khang

Tin khác