Chứng khoán tuần 14/10 – 18/10: Lần thứ 6 VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm
VN-Index tăng tốc trở lại
Thị trường chốt tuần tại 1.288,39 điểm, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 372 mã tăng, 317 mã giảm. Nhóm VN30 áp đảo sắc xanh với 15 mã tăng, 12 mã giảm và 3 mã đi ngang.
Thanh khoản giảm nhẹ, tại sàn HOSE, dòng tiền đạt 11.900 tỷ đồng vào phiên cuối tuần, tương đương với 479 triệu cổ phiếu được "sang tay".
Mặc dù vậy, trạng thái "giằng co" vẫn diễn ra, nỗ lực từ nhóm bất động sản chưa đủ mạnh để lực cầu lan tỏa rộng hơn.
Nhóm công nghiệp có đà tăng mạnh nhất, chủ yếu từ các mã HAH (Vận tải và Xếp dỡ Hải An, HOSE) tăng 3,22%, VTP (Viettel Post, HOSE) tăng 4,51%, VJC (VietJet Air, HOSE) tăng 2,74%, VSC (Viconship, HOSE) tăng 2,03%. Kế tiếp là nhóm bất động sản với 47 mã tăng.
Trong đó, nổi bật là VHM (Vinhomes, HOSE). Dù chịu áp lực bán từ khối ngoại mạnh nhưng cổ phiếu họ "Vin" nhanh chóng được hấp thụ từ nhóm nhà đầu tư trong nước, trở thành cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào thị trường khi tăng 3,4%, thanh khoản đạt gần 678 tỷ đồng.
Kế tiếp là VRE (Vincom Retail, HOSE) tăng 3%, PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE) tăng 2,2%, HDC (Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu, HOSE) tăng 3,4%, QCG (Quốc Cường Gia Lai, HOSE) tăng 5,5%.
Ngược lại, công nghệ là nhóm có mức giảm mạnh nhất với FPT (FPT, HOSE) giảm 1,48%, CMG (Công nghệ CMC, HOSE) giảm 0,93%,…
Khối ngoại bán ròng trở lại với hơn 375 tỷ đồng, tập trung tại VHM (Vinhomes, HOSE), FPT (FPT, HOSE), SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), VPB (VPBank, HOSE).
Novaland nỗ lực bán tài sản, duy trì hoạt động kinh doanh
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va – Novaland (NVL, HOSE) mới đây đã chia sẻ, đang tiến hành thanh lý tài sản với tổng số tiền theo giá bán dự kiến là hơn 25.400 tỷ đồng. Cụ thể, Novaland đã chào bán 15 tài sản trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, tập đoàn đã bán thành công một tài sản và thu về 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Novaland đã ký các hợp đồng nguyên tắc bán 7 tài sản với tổng trị giá trên 12.360 tỷ đồng; đồng thời ký các biên bản ghi nhớ bán 3 tài sản khác có tổng trị giá khoảng 9.100 tỷ đồng. Cùng với đó là bán hết vốn tại Công ty Huỳnh Gia Huy, dự án Resort tại Mũi Né.
Đối với các sản phẩm đã và đang bán tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet; Aqua City; và Grand Manhattan, Novaland cho biết đang phối hợp với Chính phủ cùng các cơ quan chức năng để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nhằm hoàn thành kế hoạch bán hàng trong tháng 12 năm nay.
Novaland nhấn mạnh, những nỗ lực bán tài sản trên đều nhằm tái cấu trúc dòng tiền để có đủ nguồn lực tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Liên quan đến các khoản nợ trái phiếu, Novaland đã đạt được một số thỏa thuận tái cấu trúc ban đầu với tổng số tiền trên 17.300 tỷ đồng.
Lãnh đạo PNJ bán 1,1 triệu cổ phiếu PNJ sau tin bị phạt nặng
Ông Lê Trí Thông, phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PNJ đã đăng ký bán 500.000 cổ phiếu PNJ. Sau khi hoàn tất, ông còn sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,36% vốn điều lệ. Cùng với đó, bà Đặng Thị Lài, thành viên HĐQT, kiêm Giám đốc cao cấp, thành viên HĐTV công ty con PNJ đã đăng ký bán ra 600.000 cổ phiếu PNJ, giảm tỷ lệ sở hữu về 1,86 triệu cổ phiếu (tương đương 0,55% vốn điều lệ).
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu PNJ đã tăng gần 17%. Ước tính, ông Thông sẽ thu về gần 48 tỷ đồng và bà Lài thu về hơn 57 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu PNJ.
Mới đây, Công ty PNJ nhận được quyết định của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
PNJ cho biết, lý do doanh nghiệp bị xử phạt là bởi các quy định nội bộ, phân loại rủi ro khách hàng, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
2 nhóm cổ phiếu tâm điểm tháng 10
Chứng khoán TPS cho biết, nhà đầu tư có thể theo dõi nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cho chiến lược đầu tư tháng 10.
Theo đó, các sản phẩm tài chính như trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng giá trị phát hành mới đạt 257.900 tỷ đồng, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 24.641 tỷ đồng/phiên, tương đương mức tăng gần 40% so với cùng kỳ. Giao dịch ký quỹ (margin) đạt kỷ lục 225.000 tỷ đồng vào cuối quý 2. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ trong nước và quốc tế, TPS kỳ vọng dòng tiền nền kinh tế sẽ tiếp tục dồi dào và thúc đẩy thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Tâm điểm với cổ phiếu VCI (Chứng khoán Vietcap, HOSE).
Tại nhóm ngân hàng, TPS cho biết, tăng trưởng tín dụng tiếp tục được duy trì ở mức ổn định, tăng khoảng 6% vào cuối tháng 7/2024 nhờ vào nền kinh tế hồi phục từ mức nền thấp vào đầu năm. Tiền gửi của người dân đã tăng 4,7% so với đầu năm, lập kỷ lục mới. Tâm điểm với cổ phiếu VPB (VPBank, HOSE)
Với mức vay thấp, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể tạo thêm dư địa để tiếp tục phát triển nhằm đảm bảo nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, TPS đánh giá thị trường tháng 10 với 2 kịch bản.
Đối với chiều hướng tích cực, chỉ số sẽ vượt qua vùng kháng cự 1.300 điểm, bắt đầu xu thế tăng mới. Để đạt được điều này, VN-Index cần thanh khoản bùng nổ hơn với hơn 25.000 tỷ đồng.
Đối với kịch bản trung tính, thị trường sẽ gặp khó tại vùng kháng cự 1.300 điểm, khả năng cao về việc điều chỉnh sẽ xảy ra sau đó tại 1.260 – 1.280 điểm, nhưng xét trung và dài hạn, VN-Index vẫn sẽ tăng trưởng.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Bùi Ngọc Trung, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào quý 4 với nhiều sự chờ đợi từ vĩ mô trong nước và thế giới. Diễn biến tích cực từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Trong nước, số liệu vĩ mô ghi nhận nhiều tín hiệu khá tốt như GDP quý 3 tăng 7,4%, bất chấp bão Yagi. Đầu tư công trong quý 4 được dự báo sẽ đẩy nhanh tiến độ; tăng trưởng tín dụng trong cuối năm dự kiến tăng 13,2% và lãi suất duy trì ở mức thấp.
Mặc dù, đầu tháng 10 tới nay, diễn biến thị trường vẫn khá thận trọng nhưng xu hướng quay trở lại chinh phục mốc 1.300 sẽ khả quan trong ngắn hạn.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến sự phân hóa về dòng tiền trên thị trường đặc biệt là ở những nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng thực về lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng trong cuối năm nay vẫn còn nhiều dư địa khi mà quy mô thanh khoản của toàn thị trường chưa thực sự khởi sắc.
"Điểm sáng" đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, như Ngân hàng: TCB (Techcombank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), Thép: HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), Tiêu dùng: MSN (Masan, HOSE) khi kết quả kinh doanh quý 3 khá tốt và VHM (Vinhomes, HOSE) cũng ghi nhận những động thái tích cực hơn từ thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ với giá trị khủng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua những nấc thang quan trọng từ hành trình hồi phục đến cánh cửa tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới, đến từ việc tháo gỡ quy định về nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo tiền để cho thị trường Việt Nam chính thức nâng hạng có thể trong tháng 3 và tháng 9/2025, đón đầu được hàng tỷ USD vốn ngoại tiềm năng đổ vào thị trường.
Chứng khoán BSC nhận định, diễn biến giằng có sẽ còn diễn ra trong tuần này, thị trường cần những phiên giao dịch chỉ hướng vượt cạnh trên mô hình, từ đó, xác nhận xu hướng tăng điểm.
Chứng khoán KB cho rằng, mặc dù áp lực rung lắc vẫn còn nhưng co hội chinh phục mốc 1.290 – 1.300 điểm vẫn đang rộng mở. Nhà đầu tư có thể kết hợp mua thêm một phần tỷ trọng khi chỉ số và các mã cổ phiếu mục tiêu, song song với trạng thái nắm giữ.
Tuệ Anh