Chứng khoán trước giờ giao dịch 22/10: Giữ vững danh mục, chờ cơ hội mới
VN-Index giằng co ở ngưỡng kháng cự, không mua đuổi
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện tại, vùng 1.290 - 1.300 điểm vẫn đang vai trò là vùng kháng cự cứng và khó chinh phục đối với VN-Index khi thị trường vẫn đang chờ đợi chất xúc tác đủ lớn để có sự đồng thuận của các dòng tiền lớn và khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng là một trong những lực cản lớn hiện tại. Nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh và tập trung vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan trong quý 3 khi mùa báo cáo tài chính đang diễn ra hoặc có câu chuyện riêng. Khối ngoại và tỷ giá là 2 yếu tố vẫn nên quan sát kỹ trong thời gian tới.
Trong ngắn hạn, SHS khuyến nghị không nên mua đuổi khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.300. Nhà đầu tư có thể chờ thị trường chung, VN-Index thoát khỏi xu hướng tích lũy ngắn trung hạn đang kéo dài hiện nay, với sự xác nhận tăng trưởng đồng thuận của nhiều nhóm ngành, trước khi xem xét gia tăng các vị thế mới. Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, các vị thể giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt. Trường hợp tỉ trọng đầu cơ cao, danh mục mở rộng, cần xem xét cơ cấu các mã yếu kém hơn thị trường chung nếu có.
Theo chuyên gia AseanSC, nhà đầu tư cần giữ tỷ trọng danh mục trung bình, chưa vội giải ngân khi quá trình thoái lui chưa có xác nhận các cải thiện rõ ràng về lực cầu, đồng thời tìm kiếm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh quý 3 khả quan. AseanSC đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tuy nhiên nhà đầu tư nên lưu ý tới tiềm ẩn có thể đến từ các thông tin liên quan đến tỷ giá và thanh khoản liên ngân hàng có dâu hiệu căng thẳng trở lại trong ngắn hạn, do đó cần quan sát các thông tin tài chính trong nước chặt chẽ để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu.
Hồi phục bất thành, VN-Index tiếp tục giảm điểm
VN-Index trong phiên giao dịch ngày 21/10 tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh với áp lực bán gia tăng ở nhiều mã/nhóm mã với độ rộng khá tiêu cực. Kết phiên VN-Index giảm 5,69 điểm (-0,44%) về mức 1.279,77 điểm, dưới đường giá trung bình 20 phiên.
Khối lượng giao dịch giảm -4,54% so với phiên trước, tuy nhiên khối lượng gia tăng khá tiêu cực ở nhóm chứng khoán... Xu hướng trung hạn VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó vùng giá 1.250 điểm là giá cao nhất năm 2023, vùng giá 1.300 điểm - 1.320 điểm là các vùng kháng cự rất mạnh, đỉnh giá tháng 06-08/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024. Đây là vùng kháng cự có tính chất cơ bản, thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng kháng cự mạnh này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Đồng thời các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị như cuộc chiến Nga - Ukraine, Trung Đông hạ nhiệt.
Thanh khoản thị trường suy yếu, sụt giảm -16% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 570 triệu cổ phiếu (-9.03%), tương đương 14,300 tỷ đồng (-6.67%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường chìm trong sắc đỏ với 20/21 nhóm ngành giảm điểm. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên 21/10 là các nhóm ngành như: Thủy sản (-2.59%), Chứng khoán (-1.71%), BĐS KCN (-1.46%), Thực phẩm tiêu dùng (-1.32%),...Ở chiều ngược lại nhóm BĐS dân cư (+1.95%) là nhóm ngành duy nhất ngược dòng thành công đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup.
Khối ngoại đảo chiều bán ròng -267 tỷ đồng (-10.9tr USD) trên sàn HSX, kéo dài chuỗi bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong phiên là nhóm cổ phiếu: STB (-130 tỷ đồng: -5.4tr USD), FPT (-64 tỷ đồng: -2.6tr USD), HPG (-56 tỷ đồng: -2.3tr USD),...Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại tăng tỷ trọng một số mã: VHM (+104 tỷ đồng: +4.3tr USD), DXG (+51 tỷ đồng: +2.1tr USD), MSN (+47 tỷ đồng: +1.9tr USD),...
Cẩm Vân