Chứng khoán trước giờ giao dịch 21/11: Tăng tỷ trọng các mã có lợi nhuận
Chỉ xem xét mở rộng danh mục khi xu hướng tăng được xác lập trở lại
Lực cầu bắt đáy có tín hiệu gia tăng khi VN-Index về quanh vùng tâm lý 1.200 điểm qua đó giúp VN-Index có phiên đảo chiều tăng điểm, chấm dứt mạch 4 phiên giảm điểm trước đó. Trên biểu đồ kỹ thuật xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều Piercing Pattern cho thấy áp lực bán có dấu hiệu chững lại, nhường sân cho lực cầu tham gia. Mẫu hình đảo chiều trên có thể giúp VN-Index tăng điểm trong các phiên tới để test lại khoảng gap 1.229 – 1.231 điểm giảm điểm trước đó. Tuy vậy, tín hiệu tạo đáy của VN-Index vẫn chưa được xác nhận và còn cần nhiều tín hiệu tích cực và cần thời gian thêm nữa.
Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá vội vàng mua đuổi trong các phiên tiếp theo, đặc biệt khi VN-Index tiến lên vùng điểm gap trước đó. Thay vào đó, nhà đầu tư nên ưu tiên tăng dần tỷ trọng các mã đã có lợi nhuận trong đợt mua thăm dò ở vùng 1.208 điểm trước đó.
Theo Công ty Chứng khoán BETA, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại, khi khối ngoại vẫn duy trì bán ròng mạnh mẽ và chưa xuất hiện các tín hiệu xác nhận đảo chiều xu hướng thì việc tham gia bắt đáy cần sự tuân thủ kỷ luật chặt chẽ, với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy. Nhà đầu tư vẫn nên theo dõi sát sao hành động của khối ngoại trong giai đoạn hiện nay và chỉ nên xem xét mở rộng danh mục khi xu hướng tăng được xác lập trở lại nhằm giảm thiểu rủi ro và tránh bẩy tăng giá, và ưu tiên mua tích lũy đối với cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, quản trị minh bạch và triển vọng tăng trưởng khả quan trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025.
Trong ngắn hạn, chuyên gia Công ty SHS cho rằng, VN-Index đã phục hồi tốt trên vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm và vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn khoảng 62%/GDP. Những diễn biến ngắn hạn thể hiện tính chất đầu cơ xoay vòng mạnh giữa các nhóm ngành như biến động tăng/giảm đầu cơ mạnh ở các nhóm công nghệ - viễn thông, cảng - vận tải biển, khu công nghiệp... Trong khi phục hồi khá tốt sau áp lực điều chỉnh kéo dài của ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.... Do đó để thị trường chung cải thiện, xác nhận tạo đáy cho kỳ vọng tăng trưởng mới thì cần nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 vượt lên xu hướng giảm khá ngắn hạn, vượt lên đường giá trung bình 200 phiên sau khi lần đầu tiên giao dịch dưới đường giá này kể từ tháng 1/2024. Nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý, tỷ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt.
Khối ngoại tiếp tục xả mạnh, dòng tiền bắt đáy tích cực
VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.200 điểm. Áp lực cung thấp ở vùng giá này và lực cầu gia tăng tốt nổi bật ở nhóm cổ phiếu bất động sản, tạo động lực hỗ trợ tốt để thị trường phục hồi. Kết phiên 20/11 VN-Index tăng 11,39 điểm (+0,95%) lên mức 1.216,54 điểm, lấy lại hầu hết điểm số giảm phiên trước.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường bật tăng mạnh vượt 21,8% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 713 triệu cổ phiếu (+46,72%), tương đương 17,7 tỷ đồng (+34,20%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường lấy lại sắc xanh với 17/21 nhóm ngành tăng điểm sau chuỗi ngày ảm đạm kéo dài. Dẫn dắt đà hồi phục của chỉ số và thị trường chung trong phiên là các nhóm ngành như: Nhựa (+1,76%), BĐS dân cư (+1,70%), Chứng khoán (+1,56%), BĐS KCN (+1,54%),... Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn bủa vây số ít các nhóm ngành: Công nghệ viễn thông (-0,51%), Hóa chất (-0,28%), Bán lẻ (-0,19%), Cảng biển (-0,12%).
Khối ngoại bán ròng -1.198 tỷ đồng trên sàn HSX bất chấp sự hồi phục của thị trường. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong phiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM (-338 tỷ đồng), FPT (-251 tỷ đồng), MSB (-174 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoài nâng tỷ trọng một số mã: CTG (+68 tỷ đồng), DIG (+48 tỷ đồng), MWG (+38 tỷ đồng),...
Cẩm Vân