1. Chứng khoán

Chứng khoán tháng 10 – chờ VN-Index vượt mốc 1.300?

Tính từ ngày 17 đến 30-9, trong vòng 10 phiên giao dịch, VN-Index đã tăng trở lại 48 điểm. Ảnh minh họa: TL

Đợt phục hồi được dẫn dắt bởi cổ phiếu ngân hàng

Chỉ số VN-Index có diễn biến phục hồi tích cực trong nửa cuối tháng 9-2024, không những lấy lại được điểm số đã mất trong đợt điều chỉnh nửa đầu tháng 9, mà còn khép lại tháng 9 với mức tăng nhẹ 4 điểm, tương đương 0,3%. Đóng cửa cuối tháng tại 1.288 điểm, chỉ số này một lần nữa đứng trước ngưỡng kháng cự quan trọng 1.300 điểm.

Tính từ ngày 17 đến 30-9, trong vòng 10 phiên giao dịch, VN-Index đã tăng trở lại 48 điểm, trong đó phiên cuối tuần trước (ngày 27-9), chỉ số này có thời điểm chạm được mốc 1.300 điểm. Đáng lưu ý là đi cùng với điểm số tăng, khối lượng giao dịch cũng tăng vọt trong những phiên cuối tháng 9 trên sàn HOSE, cho thấy dòng tiền đang luân chuyển mạnh hơn và dường như đang quay trở lại thị trường trước trước kỳ vọng một chu kỳ tăng mới sắp diễn ra.

Cụ thể, trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9, từ ngày 23 đến 27-9, khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 856 triệu cổ phiếu/phiên, tăng khoảng 20% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch cũng tăng 19% lên 19.300 tỉ đồng/phiên. Đặc biệt, dòng tiền có tín hiệu đổ vào nhóm ngân hàng, với hàng loạt cổ phiếu ngân hàng ghi nhận khối lượng tăng mạnh so với tuần trước, như VIB tăng hơn 400%, MSB tăng 380%, OCB tăng 200%, EIB và TPB đều tăng 140%, SHB và VPB tăng hơn 100%, STB tăng hơn 90% với giá cổ phiếu đã cán mốc 33.600 đồng/cổ phiếu – gần chạm đến mức đỉnh lịch sử niêm yết thiết lập vào đầu năm 2022.

Cũng theo thống kê từ ngày 17 đến 30-9, trong 10 cổ phiếu có đóng góp lớn nhất vào mức tăng điểm của VN-Index, có đến chín cái tên thuộc nhóm ngân hàng, gồm VCB với thông tin sắp được tăng vốn đã thu hút dòng tiền và góp 4,3 điểm; Techcombank và VPBank đều góp hơn 3,4 điểm; VietinBank góp 3 điểm; BIDV góp 2,7 điểm; MBB góp 2,3 điểm; STB và ACB đều góp 1,8 điểm; HDB góp 1,4 điểm. Cổ phiếu còn lại trong tốp 10 là HPG góp 2,3 điểm. Như vậy, riêng chín cổ phiếu ngân hàng nói trên đã góp hơn 24 điểm, tương đương 50% điểm số tăng của VN-Index.

Còn nếu xét theo chỉ số chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ số này đã tăng xấp xỉ 6,5% trong nửa cuối tháng 9. Trước tín hiệu chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn nên đã thu hút dòng tiền trở lại. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái giảm lãi suất phát hành tín phiếu và lãi suất OMO trong hai tháng vừa qua, đồng thời đang bắt đầu xuất hiện những dự báo cho rằng khả năng giảm lãi suất điều hành cũng có thể xảy ra khi nhìn vào một số ngân hàng trung ương trong khu vực gần đây đã tiếp bước Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với chính sách cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, những lo ngại về thiệt hại từ bão Yagi có nguy cơ gây ra nợ xấu cho ngành ngân hàng đang giảm bớt, khi gần đây NHNN cho biết đang khẩn trương xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão. Cùng với đó là các quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão.

Chờ đợi gì ở tháng 10?

Với diễn biến tích cực trong những phiên vừa qua, không ít nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index có thể chinh phục thành công mốc 1.300 điểm ngay trong tháng 10, đồng thời xây dựng nền vững chắc trên vùng giá này, bất chấp áp lực chốt lời sẽ tăng dần tại ngưỡng cản tâm lý này. Hiện các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho đà đi lên tiếp diễn của thị trường.

Tháng 10 năm nay có thể sẽ khác, vì thị trường đang được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực hơn, từ chính sách tiền tệ nới lỏng trở lại của các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, hoạt động kinh tế và ngoại thương duy trì đà phục hồi tích cực, kết quả kinh doanh của công ty niêm yết tiếp tục cải thiện trong quí 3, đến những quy định mới hỗ trợ TTCK sớm nâng hạng…

Dù vậy, quá khứ lại không ủng hộ nhiều cho thị trường giai đoạn này. Thống kê cho thấy mức tăng trưởng bình quân theo biểu đồ ngày của VN-Index trong tháng 10 giai đoạn 2000-2023 chỉ là 0,2%. Mức hiệu suất này chỉ cao hơn các tháng 6, 7 và 9. Đặc biệt trong hai năm gần nhất, VN-Index giảm 4,8% trong tháng 10-2022 và giảm đến 10% trong tháng 10-2023.

Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ khác, vì thị trường đang được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực hơn, từ chính sách tiền tệ nới lỏng trở lại của các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, hoạt động kinh tế và ngoại thương duy trì đà phục hồi tích cực, kết quả kinh doanh của công ty niêm yết tiếp tục cải thiện trong quí 3, đến những quy định mới hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) sớm nâng hạng…

Có thể kể đến như Thông tư 68/2024/TT-BTC ban hành ngày 18-9-2024 cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ không cần đủ tiền để giao dịch (prefunding) cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đây là sự thay đổi rất lớn, bởi trước đó nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được mua chứng khoán trừ khi có đủ tiền trong tài khoản trước khi lệnh mua được gửi đi, dẫn đến hạn chế trong việc cơ cấu danh mục do khách hàng tổ chức nước ngoài phải đợi tiền từ việc bán chứng khoán được thanh toán, trước khi thực hiện các giao dịch mua tiếp theo.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, sẽ có ba tác động tiềm ẩn đến từ việc chấp thuận đặt lệnh không cần đủ tiền đối với TTCK Việt Nam, bao gồm: (1) thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế, (2) kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam và (3) cải thiện thanh khoản thị trường.

Cũng cần lưu ý quy định yêu cầu đủ tiền trước khi giao dịch là một trong những nút thắt chính ngăn cản TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hiện 7/9 nhóm tiêu chí để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp của FTSE đã được đáp ứng, và với Thông tư 68 vừa được ban hành, Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng hai tiêu chí còn lại của FTSE. Do đó, trong kỳ đánh giá sắp tới vào ngày 8-10-2024, có lẽ FTSE sẽ ghi nhận tích cực hơn về TTCK Việt Nam. Chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi lần lượt vào năm 2025 và 2026.

Diễn biến nhà đầu tư nước ngoài tăng cường giao dịch trong những phiên gần đây đã phần nào phản ánh các kỳ vọng. Thống kê trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9, khối ngoại bán ròng nhưng đó là do bị ảnh hưởng từ thỏa thuận bán đột biến cổ phiếu VIB trong ngày phiên 24-9 liên quan đến hoạt động thoái vốn của Commonwealth Bank of Australia (CBA). Nếu loại ra giao dịch bán ròng 2.665 tỉ đồng tại VIB, thực tế khối ngoại đã đổ vào thị trường hơn 2.000 tỉ đồng qua kênh khớp lệnh.

Còn nếu tính trong chu kỳ hai tuần cuối cùng của tháng 9, đã có tám trong số 10 phiên ghi nhận khối ngoại mua ròng, với tổng giá trị hơn 3.000 tỉ đồng. Điều này củng cố quan điểm cho rằng khối ngoại sẽ sớm bước vào chu kỳ mua ròng trở lại khi Fed đã chính thức đảo ngược chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ. Thực tế, ngay từ trước khi Fed quyết định giảm lãi suất, áp lực bán từ khối ngoại đã suy yếu đáng kể. Ngoài ra, như đã nói, những kỳ vọng về sự cởi trói của quy định prefunding cũng đã kích thích khối ngoại giao dịch tích cực hơn.

Triêu Dương

Tin khác