Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Kinh doanh ảm đạm, lãi sau thuế quý III giảm mạnh
Lợi nhuận từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 68% so với quý III/2023, chỉ đạt 62 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các khoản cho vay và phải thu giảm 47%, còn 110 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán giảm 34%, chỉ đạt 49 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của SHS trong quý III/2024 là 163 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, công ty lỗ 107 tỷ đồng từ tài sản FVTPL và cộng thêm 5,5 tỷ đồng chi phí tự doanh, dẫn đến lỗ thuần từ mảng tự doanh hơn 50 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái khi mảng này mang lại lãi hơn 43 tỷ đồng.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế của SHS trong quý III/2024 đạt 69 tỷ đồng, giảm 65% so với quý III/2023.
Tính chung lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, SHS đạt doanh thu hoạt động 1.440 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 953 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 779 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của SHS trong năm 2024 là hơn 1.035 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước. Sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 92% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù lỗ trong quý III, kết quả tích cực của SHS trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh, với lợi nhuận thuần từ mảng này đạt hơn 680 tỷ đồng, so với chỉ 90 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của SHS tập trung vào nhiều mã cổ phiếu có hiệu suất vượt trội trong nửa đầu năm 2024 như FRT, FPT, MWG, HPG, và VTP.
Tại thời điểm cuối quý III/2024, danh mục tài sản tài chính của SHS có tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm hơn 3.500 tỷ đồng và mang về lợi nhuận tạm tính gần 200 tỷ đồng; cổ phiếu chưa niêm yết có giá trị 359 tỷ đồng, nhưng tạm lỗ 55 tỷ đồng; trái phiếu niêm yết đạt 1.687 tỷ đồng, còn trái phiếu chưa niêm yết là 389 tỷ đồng.
Cổ phiếu mang lại lợi nhuận cao nhất cho SHS là FRT của FPT Retail, với giá trị đầu tư gốc hơn 200 tỷ đồng, hiện có giá thị trường 425 tỷ đồng, tức lợi nhuận gấp đôi. SHS cũng sở hữu cổ phiếu MWG của Thế giới Di động, với giá gốc 141 tỷ đồng và đang lãi tạm 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, SHS cũng ghi nhận lãi từ cổ phiếu FPT, với giá gốc 78 tỷ đồng so với giá thị trường 135 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận tạm tính 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đang tạm lỗ hơn 38 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào cổ phiếu VPB, với giá trị gốc 350 tỷ đồng.
Trong danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), SHS đang lãi 314 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào cổ phiếu SHB (giá gốc 275 tỷ đồng), nhưng lại lỗ gần 130 tỷ đồng từ cổ phiếu TCD (giá gốc 200 tỷ đồng).
Tính đến cuối quý III/2024, dư nợ cho vay và ứng trước tiền bán cho khách hàng của SHS đạt 3.881 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.
An Vũ