Chứng khoán Mỹ tăng chóng mặt, Dow Jones leo dốc hơn 200 điểm
Chốt phiên giao dịch ngày 14/10, chỉ số S&P 500 cộng 0,77%, đạt 5.859,85 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 201,36 điểm (tương đương tăng 0,47%), lên mức 43.065,22 điểm. Đây là mức điểm chốt phiên cao nhất mọi thời đại của mỗi chỉ số, đồng thời chứng kiến lần đầu tiên Dow Jones vượt ngưỡng 43.000 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng leo dốc 0,87%, đạt mức 18.502,69 điểm.
Cổ phiếu công nghệ duy trì đà khởi sắc và là nhóm tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này. Trong đó, cổ phiếu Nvidia cộng 2,4%, đóng cửa ở mức kỷ lục 138,07 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa thị trường của “ông lớn” sản xuất chip vượt ngưỡng 3,4 nghìn tỷ USD. Cổ phiếu Nvidia đã nhảy vọt tới 180% từ đầu năm đến nay và tăng gấp hơn 9 lần kể từ năm 2023.
Cuối tuần trước, hai ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase và Wells Fargo đã khởi động mùa báo cáo tài chính bằng kết quả vượt dự báo. Kết quả lợi nhuận tích cực của ngành ngân hàng đã giúp thị trường Phố Wall lập kỷ lục mới, với chỉ số S&P 500 lần đầu vượt mốc 5.800 điểm vào phiên 11/10.
Sang tuần này, Bank of America, Goldman Sachs và Johnson & Johnson sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày 15/10. Trong khi đó, Morgan Stanley và United Airlines sẽ công bố báo cáo vào ngày 16/10. Ngoài ra, Walgreens Boots Alliance, Netflix và Procter & Gamble cũng dự kiến công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này.
Trong số 500 thành viên của S&P 500, hiện tại đã có 30 công ty công bố báo cáo tài chính quý 3. Bình quân, mức lợi nhuận mà các công ty này đưa ra cao hơn khoảng 5% so với kỳ vọng của thị trường.
Theo dữ liệu của LSEG, lợi nhuận quý 3 của S&P 500 dự kiến tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia Kevin McCullough tại Natixis Investment Managers Solutions nói với Reuters rằng kỳ vọng cao hơn sẽ giúp nhà đầu tư phấn khích hơn với mùa báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 – yếu tố quan trọng để đánh giá sức mua của người tiêu dùng Mỹ – cũng sẽ được thị trường quan tâm trong tuần này.
Chuyên gia McCullough nói thêm rằng các số liệu liên quan đến người tiêu dùng đang ngày càng trở nên quan trọng đối với định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi cơ quan này chuyển sang tập trung vào tăng trưởng kinh tế.
Cùng ngày, Thống đốc Fed Christopher Waller hối thúc Ngân hàng T.Ư Mỹ thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari kỳ vọng sẽ có một số đợt cắt giảm lãi suất ở mức khiêm tốn vì lạm phát đang tiệm cận mục tiêu 2%.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ đang hỗ trợ tích cực cho thị trường cổ phiếu.
Chuyên gia trưởng về cổ phiếu của Goldman Sachs, ông Peter Oppenheimer, nhận định với CNBC: "Thị trường chứng khoán Mỹ trong dài hạn sẽ nhận được lực đẩy quan trọng từ đà tăng trưởng kinh tế ổn định cùng với chính sách tiền tệ ngày càng được nới lỏng hơn”.
Cũng có quan điểm tương tự, Ngân hàng UBS vẫn duy trì dự báo khả quan đối với thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay.
"Chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong nhóm S&P 500 trong năm 2024 sẽ đạt mức 11% trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô phục hồi".
UBS cũng dự báo chỉ số S&P 500 có thể đạt mức 6.200 điểm vào năm 2025, cao hơn khoảng 6,6% so với mức kỷ lục vừa ghi nhận vào thứ Sáu tuần trước.
Chỉ số S&P 500 đã leo dốc khoảng 23% trong năm nay, chưa kể cổ tức được tái đầu tư, và xu hướng thị trường giá lên của chứng khoán Mỹ đã kéo dài 2 năm nay. Chỉ số này đã phục hồi tới 63% so với mức thấp nhất vào tháng 10/2022.
Nguyễn Thu