Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới dù ông Powell dè dặt về giảm lãi suất, giá dầu giảm 17% trong quý 3
Thị trường chứng khoán Mỹ lập mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/9), hoàn tất một tháng và một quý tăng điểm, dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bày tỏ quan điểm thận trọng về việc cắt giảm lãi suất. Giá dầu thô không có nhiều thay đổi trong phiên cuối quý, nhưng khép lại một quý giảm sâu do mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 17,15 điểm, tương đương tăng 0,04%, đạt 42.330,15 điểm, cao chưa từng có trong lịch sử. Chỉ số S&P 500 tăng 0,22%, đạt 5.762,48 điểm, cũng là mức kỷ lục. Chỉ số Nasdaq tăng 0,38%, đạt 18.189,17 điểm.
Phát biểu tại một sự kiện thường niên của Hiệp hội Quốc gia Kinh tế học kinh doanh (NABE), ông Powell nói Fed có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới nhưng sẽ không đi theo một con đường cụ thể vạch sẵn nào. Ông nói nếu nền kinh tế diễn biến đúng như những gì Fed dự báo, Fed dự tính sẽ giảm lãi suất thêm 2 lần trong năm nay, với mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm.
Những gì ông Powell nói có phần dè dặt hơn so với những gì thị trường đang kỳ vọng về lãi suất Fed. Trước bài phát biểu này của ông, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.
“Ủy ban không có cảm giác vội vã để phải cắt giảm lãi suất một cách nhanh chóng”, ông Powell nói về Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed.
Sau khi nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới phát biểu, đặt cược vào mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 giảm còn 35,4%, trong khi đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm tăng lên mức 64,6% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Giá cổ phiếu ở Phố Wall giảm điểm sau bài phát biểu của ông Powell, nhưng sắc xanh đã trở lại vào cuối phiên giao dịch.
Phiên này khép lại một tháng và một quý đầy biến động của cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ. Thị trường đã có sự khởi động đầy ảm đạm cho tháng 9 - vốn thường là tháng yếu nhất trong năm, theo những gì lịch sử cho thấy. Nhưng sau đó, các chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ khi Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm.
Cả tháng, Dow Jones tăng 1,9% và Nasdaq tăng 2,7%. Đặc biệt, S&P 500 tăng 2%, đánh dấu tháng 9 tăng đầu tiên kể từ năm 2019.
Trong quý 3, thị trường đã có nhiều thời điểm khó khăn khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu xu thế giá lên của năm 2024 có thể duy trì. Hôm 5/8, trong cơn hoảng loạn của giới đầu tư toàn cầu, Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm.
Cuối cùng, thị trường đã vượt qua được những sóng gió đó, hoàn tất quý 3 với mức tăng hơn 8% của Dow Jones. S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 5,5% và 2,6% trong quý.
“Thị trường giá lên đã duy trì được trong quý 3, vốn là quý yếu nhất hàng năm. Xu hướng giá lên có khả năng duy trì ít nhất tới hết năm nay, vì lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết còn mạnh, lãi suất đang giảm và người tiêu dùng vẫn chi tiêu, CEO Emily Bowersock Hill của công ty Bowesock Capital Partners nhận định với hãng tin CNBC.
Dù giới đầu tư ở Phố Wall bước sang quý 4 với tâm trạng nhìn chung lạc quan, tháng 10 thường là một tháng khó khăn hàng năm của thị trường. Tháng này được biết đến với mức độ biến động mạnh, dễ có những cú sụt giảm sâu.
Trong thời gian còn lại của tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo việc làm phi nông nghiệp đến từ Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 12 tại London tăng 0,27 USD/thùng, đóng cửa ở mức 71,81 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,01 USD/thùng, còn 68,17 USD/thùng.
Giá dầu Brent giảm 9% trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu WTI giảm 7% trong tháng 9, mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.
Trong quý 3, giá dầu Brent giảm 17%, mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây; và giá dầu WTI giảm 16%, mạnh nhất từ quý 3/2023.
Dù được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, giá dầu thời gian qua đương đầu áp lực giảm từ mối lo về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Tuần trước, Bắc Kinh công bố một gói kích cầu lớn nhằm vực dậy tăng trưởng, nhưng giá dầu phản ứng khá mờ nhạt. Giới đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi liệu những nỗ lực kích cầu đó có đủ để thúc đẩy nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không, trong đó có nhu cầu tiêu thụ dầu.
Số liệu công bố ngày 30/9 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 giảm tháng thứ 5 liên tiếp, dù mức giảm nông hơn dự báo, và ngành dịch vụ cũng giảm mạnh.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, đang rục rịch tăng sản lượng. Tuần trước, có tin Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, đã sẵn sàng từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD/thùng để nâng sản lượng trở lại từ tháng 12 năm nay.
Bình Minh