Chứng khoán Mỹ lao dốc, giá dầu tăng mạnh vì xung đột Trung Đông lan rộng
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Dow Jones giảm 184,93 điểm (-0,44%) xuống còn 42.011,59 điểm, S&P 500 mất 9,58 điểm (-0,17%) thành 5.699,96 điểm và Nasdaq Composite hạ 6,65 điểm (-0,04%) còn 17.918,48 điểm.
Chỉ số biến động Cboe, thước đo sự lo lắng của Phố Wall, đã tăng lên 20,49 điểm. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 6/9.
Cổ phiếu năng lượng đi lên cùng với giá dầu sau khi có nhiều lo ngại rằng xung đột gia tăng ở Trung Đông có thể đe dọa đến dòng chảy dầu thô toàn cầu. Chỉ số năng lượng thuộc S&P 500 leo 1,6%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,01 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,08 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Dữ liệu trong ngày cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng nhẹ vào tuần trước. Trong khi đó, cơn bão Helene và các cuộc đình công tại cảng bờ Đông có thể làm méo mó bức tranh về thị trường lao động trong ngắn hạn.
Báo cáo việc làm tháng 9 công bố vào thứ Sáu được xem là yếu tố quan trọng có thể tác động đến triển vọng lãi suất của Mỹ. Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters dự đoán sẽ có thêm 140.000 việc làm mới, còn tỷ lệ thất nghiệp dự kiến duy trì ổn định ở mức 4,2%.
Giới đầu tư đang mong đợi thêm dữ liệu về thị trường lao động sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm vào tháng trước. "Rõ ràng là các nhà đầu tư đang thận trọng trước báo cáo việc làm vào ngày mai. Theo tôi, việc chốt lời sau một đợt tăng lớn như chúng ta đã thấy trong hai, ba tuần qua là điều hoàn toàn bình thường”, Adam Sarhan, giám đốc điều hành của 50 Park Investments nhận xét.
Các nhà giao dịch hiện dự đoán xác suất 35% Fed sẽ cắt giảm 0,50 điểm phần trăm lãi suất vào tháng tới, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Ở một khía cạnh khác, khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong một năm rưỡi vào tháng 9. Đây là bằng chứng cho thấy nền kinh tế vẫn mạnh mẽ trong quý 3. "Một lần nữa, ngành dịch vụ đang đóng vai trò nòng cốt giữ cho nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển", Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management cho biết. Tuy nhiên, ông Jacobsen cũng cảnh báo rằng giá dầu tăng và cuộc đình công ở bờ Vịnh có thể thực sự làm rối loạn mọi thứ.
Cuộc đình công tại bờ Đông và bờ Vịnh đã bước sang ngày thứ ba. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley lưu ý, tình hình đình công kéo dài có thể làm tăng giá tiêu dùng, với giá thực phẩm sẽ có khả năng phản ứng đầu tiên.
GIÁ DẦU TĂNG VỌT GẦN 5%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh vào thứ Năm khi lo ngại về xung đột mở rộng ở Trung Đông sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 3,72 USD, tương đương 5,03%, lên 77,62 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 3,61 USD, tương đương 5,15%, lên 73,71 USD/thùng.
Lo ngại về khả năng Israel có thể nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu của Iran đang ngày một gia tăng. Iran là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 3% sản lượng toàn cầu.
"Điều này sẽ thực sự thử thách sức chịu đựng của thị trường vì cho đến nay rủi ro đối với nguồn cung đã bị xem nhẹ do chưa thực sự có sự gián đoạn nào xảy ra. Đây có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group giải thích.
Ngoài ra, cũng có dự đoán rằng diễn biến leo thang này có thể khiến Iran chặn eo biển Hormuz hoặc tấn công cơ sở hạ tầng của Ả Rập Xê Út, như những gì đã xảy ra vào năm 2019, theo nhà phân tích Ashley Kelty của Panmure Gordon. Eo biển Hormuz là một điểm giao rất quan trọng, qua đó một phần năm nguồn cung dầu toàn cầu đi qua hàng ngày.
"Dự báo trước đây của chúng tôi cho quý 4/2024 là 75 USD/thùng. Nhưng nếu những dự đoán này trở thành hiện thực, giá trung bình có thể tiến sát vùng 78-80 USD/thùng”, chuyên gia Alex Hodes của StoneX lưu ý trong một ghi chú.
Kim Nguyễn