Chứng khoán Mỹ kết thúc tháng 9 trên đỉnh lịch sừ
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones nhích 17,15 điểm (+0,04%) lên 42.330,15 điểm, S&P 500 tăng 24,31 điểm (+0,42%) đạt 5.762,48 điểm và chỉ số Nasdaq Composite leo 69,58 điểm (+0,38%) thành 18.189,17 điểm.
Bên cạnh S&P 500, Dow Jones cũng chứng kiến mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay. Cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận đà tăng trưởng trong quý và trong tháng. Cụ thể, trong tháng, S&P 500 đã tăng 2% và đây là tháng 9 có thành tích tốt nhất kể từ 2013.
Ở quý 3, Dow Jones đã tăng 8,2%, S&P 500 tăng 5,5% và Nasdaq tăng 2,6%.
Ở các diễn biến riêng lẻ trong ngày, cổ phiếu CVS Health thêm 2,4% sau khi có báo cáo rằng quỹ đầu cơ Glenview Capital Management sẽ gặp các lãnh đạo cao cấp của công ty để đề xuất cách cải thiện hoạt động.
AT&T nhích nhẹ 0,5% sau báo cáo về việc tập đoàn dự định bán 70% cổ phần trong nhà cung cấp truyền hình vệ tinh DirecTV cho công ty cổ phần tư nhân TPG với giá 7,6 tỷ USD.
Trong khi đó, cổ phiếu Stellantis sụt giảm hơn 12% do công ty cắt giảm dự báo hàng năm và cho biết sẽ tiêu tốn nhiều tiền hơn dự kiến do cần chi phí để cải tổ hoạt động kinh doanh tại Mỹ và cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,64 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,93 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Đáng chú ý trong ngày, chủ tịch Fed Jerome Powell đã có bài phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia Mỹ và cho biết dự kiến sẽ có thêm hai đợt cắt giảm lãi suất, tổng cộng 0,50 điểm phần trăm, trong năm nay nếu nền kinh tế tăng trưởng như mong đợi.
"Phần lớn nhà đầu tư nghĩ rằng tất cả hoạt động của Fed đã được tính toán cho phần còn lại của năm. Nhưng dường như còn nhiều điều về Fed 2024 mà chúng ta có thể chưa biết”, Jake Dollarhide, giám đốc điều hành của Longbow Asset Management nhận xét.
Fed đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách với một đợt cắt giảm lớn vào đầu tháng này. Các nhà giao dịch hiện đặt cược 35% khả năng về một đợt cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm vào tháng 11, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Theo chiến lược gia trưởng tại LPL Financial Quincy Krosby lưu ý, Fed sẽ có nhiều dữ liệu hơn để xem xét trước cuộc họp vào tháng 11. Các báo cáo kinh tế quan trọng trong tuần này sẽ bao gồm số lượng đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp và bảng lương phi nông nghiệp tháng 9.
GIÁ DẦU GIẢM 17% TRONG QUÝ 3
Giá dầu ít có thay đổi vào thứ Hai nhưng ghi nhận mức giảm 17% trong quý 3 khi lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 21 cent, đóng cửa ở mức 71,77 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1 cent, đóng cửa ở mức 68,17 USD/thùng.
Giá dầu Brent, chỉ số tham chiếu toàn cầu, đã giảm 9% trong tháng Chín, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022. Tính riêng quý 3, giá dầu Brent đã lao dốc tới 17%.
WTI giảm 7% trong tháng 9, đà sụt giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 10/2023. Giá WTI cũng đối mặt với mức giảm 16% trong quý.
Giá dầu đã có phản ứng khá hờ hững trước thông báo của chính phủ Trung Quốc vào tuần trước về các biện pháp kích thích tài chính cho nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Lo ngại về nguồn cung toàn cầu cũng đã đè nặng lên giá.
Giá dầu đã giảm mạnh vào tuần trước sau báo cáo Ả Rập Saudi, lãnh đạo không chính thức của OPEC, đang chuẩn bị từ bỏ mục tiêu giá không chính thức là 100 USD/thùng dầu và chuẩn bị tăng sản lượng.
Kim Nguyễn