1. Chứng khoán

Chứng khoán KB Việt Nam: Giá trị tài sản xuống thấp nhất 14 quý, lợi nhuận giảm 26%

Theo giải trình tới các nhà đầu tư, lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận là thị trường chứng khoán quý III/2024 giao dịch với khối lượng và giá trị giao dịch thấp. Do đó, doanh thu từ hoạt động môi giới, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), lãi từ kinh doanh giấy tờ có giá đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, hầu hết các hoạt động đem về doanh thu cho KBSV đều giảm so với cùng kỳ, trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 7,3 tỷ đồng, giảm đến 89% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 68% xuống còn gần 20 tỷ đồng. Doanh thu môi giới chỉ đạt gần 54 tỷ đồng, giảm 41%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu hoạt động với 140 tỷ đồng nhưng cũng giảm khoảng 0,66% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm mạnh 37% và còn hơn 64 tỷ đồng. Chi phí môi giới giảm từ 91 tỷ đồng về còn 61 tỷ đồng. Phần lỗ từ các tài sản tài chính cũng giảm mạnh 99% về còn chỉ 80 triệu đồng.

“Chi phí hoạt động giảm ít hơn so với sự sụt giảm của doanh thu, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, nguyên nhân là do công ty đang đầu tư vào công nghệ thông tin, quảng cáo, truyền thông cho các ứng dụng giao dịch mới”, Tổng giám đốc Jeon Mun Cheol, đại diện KBSV cho hay.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động đạt 799 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn 5% và đạt 177 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 221 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý III/2024 của KBSV. Nguồn: BCTC

Trước đó, đại hội đồng cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch với doanh thu dự kiến đạt 683 tỷ đồng, giảm 44,2% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế đạt 297 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Như vậy, dù “đi lùi” so với cùng kỳ, công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của KBSV ở mức 9.290 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm và giảm 3,6% so với quý trước. Giá trị tài sản của công ty chứng khoán này tuột về mức thấp nhất kể từ quý I/2022.

Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi trên 3 tháng đến 1 năm) giảm từ 3.229 tỷ đồng xuống còn 1.973 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ chỉ còn gần 468 tỷ đồng, giảm 86% so với đầu năm và giảm 50% so với quý II/2024. Nguyên nhân bởi lượng chứng chỉ tiền gửi nắm giữ giảm sâu so với đầu năm, như chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ 1.983 tỷ đồng xuống chỉ còn 101 tỷ đồng và không còn nắm giữ chứng chỉ tiền gửi Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBB).

KBSV giảm mạnh lượng chứng chỉ tiền gửi nắm giữ.

Dù vậy, các khoản cho vay đạt 6.707 tỷ đồng, tăng 33,8% so với đầu năm và tăng 7% so với quý trước, trong đó chủ yếu là hợp đồng giao dịch ký quỹ với 6.187 tỷ đồng, tăng 30%.

Với giá trị và cơ cấu tài sản thay đổi mạnh, nguồn vốn của KBSV cũng thay đổi đáng kể. Nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) giảm mạnh 37% xuống còn 4.974 tỷ đồng và hầu hết nhờ giảm vay ngắn hạn từ 7.635 tỷ đồng xuống còn 4.880 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 4.315 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Công ty vẫn còn đến 1.283 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tương đương gần 30% vốn điều lệ.

Thanh Thủy

Tin khác