Chứng khoán hôm nay (2/10): VN-Index quay lại điều chỉnh giảm nhẹ, thanh khoản co hẹp
VN-Index giảm nhẹ
Thị trường chứng khoán hôm nay diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index giảm -4,56 điểm, dừng lại tại 1.287,84 điểm. Độ rộng của thị trường hôm nay, có 96 mã tăng, 73 mã tham chiếu, trong khi vẫn có tới 299 mã giảm.
Về nhóm ngành, độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với số ngành giảm điểm chiếm ưu thế, chỉ có 4/19 ngành giữ sắc xanh, trong đó ngành bất động sản, thép dẫn đầu đà giảm…; ở chiều ngược lại, ngành năng lượng phục hồi tốt, trong khi đó nhóm ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ.
Nhóm VN30 hôm nay cũng diễn biến giằng co khi áp lực bán gia tăng và đóng cửa trong sắc đỏ. Theo đó, chỉ số VN30-Index điều chỉnh giảm nhẹ -4,37 điểm, còn 1.354,51 điểm. Rổ VN30 sắc đỏ chiếm ưu thế với 19 mã giảm, 1 mã đứng giá và 10 mã tăng.
Trên sàn Hà Nội, trong khi chỉ số HNX-Index giảm nhẹ, thì chỉ số UPCoM đứng ở mức tham chiếu. Theo đó, chỉ số HNX-Index giảm -1 điểm, đóng cửa tại 235,05 điểm; chỉ số UPCoM-Index đóng cửa ở mức tham chiếu, đạt 93,28 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng giảm so với những phiên gần đây, đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HOSE chiếm hơn 17.700 tỷ đồng, giảm 18,93% về giá trị so với phiên hôm qua, trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm gần 2.797 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng phiên thứ hai liên tiếp với giá trị mua ròng 254 tỷ đồng. Tập trung vào số ít mã là TCB +258,8 tỷ đồng, PNJ +161 tỷ đồng, FPT +66,8 tỷ đồng, VHM +46,7 tỷ đồng, VCB +48,8 tỷ đồng, TPB +43,3 tỷ đồng, VCI +26,6 tỷ đồng. Phía bán ròng có VPB -74,3 tỷ đồng, HDB -61,5 tỷ đồng, CTG -47,8 tỷ đồng, HPG -36,6 tỷ đồng, DPM -34 tỷ đồng, VND -27,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu trụ lại "gánh" chỉ số
Việc VN-Index tiếp tục thất bại ở ngưỡng 1.300 điểm khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, cùng với tác động từ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông. Trong phiên sáng, sự thận trọng trước các thông tin bất lợi từ bên ngoài khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, nhưng tâm lý nhà đầu tư hiện nay đã vững vàng hơn, không chạy đua bán tháo, mà chủ yếu giao dịch cầm chừng thăm dò, nên VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.290 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng đầu phiên khiến VN-Index nới rộng đà giảm, xuống thử thách ngưỡng 1.285 điểm, nhưng cả 2 lần ngưỡng hỗ trợ này đều trụ vững. Sau 2 nhịp bán và nhận thấy lực cầu chờ mua giá thấp khá tốt, bên bán đã chùn tay, khiến giao dịch chậm lại và VN-Index chỉ giằng co trong biên độ hẹp, đóng cửa giảm nhẹ.
Xét về các nhóm ngành, phiên hôm nay nhóm bất động sản, xây dựng có giao dịch kém tích cực nhất khi đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Đây là nhóm có số lượng thành viên đông đảo nhất trên sàn, nhưng số sắc xanh chỉ đếm trên đầu ngón. Tương tự, nhóm chứng khoán cũng chỉ có duy nhất 1 sắc xanh tại ORS, còn lại chìm trong sắc đỏ. Nhóm thép có sự phân hóa, trong đó mã đầu ngành HPG giảm 1,68%..
Nhóm ngân hàng dù có phân hóa, nhưng vẫn là nhóm có giao dịch tích cực nhất hôm nay với sắc xanh ưu thế hơn sắc đỏ, góp công lớn giúp thị trường không bị giảm sâu. Trong đó, tăng mạnh nhất nhóm là TPB 2,34% lên 17.500 đồng, tiếp đến là EIB tăng 1,59% lên 19.200 đồng, TCB 1,01% lên 24.900 đồng, VCB tăng 0,76% lên 92.700 đồng; SSB, MSB, BID, MBB, ACB, STB có sắc xanh nhẹ.
Ngân hàng cũng là nhóm hút dòng tiền nhất hôm nay khi cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE đều thuộc nhóm này là VPB khớp 37,58 triệu đơn vị, TPB khớp 33,12 triệu đơn vị và TCB khớp 28,21 triệu đơn vị.
Còn nhóm cổ phiếu dầu khí ngược dòng thị trường khi hầu hết đóng cửa trong sắc xanh. Cụ thể, PSH là mã duy nhất tăng hết biên độ. Tiếp đến, PLX tăng 1% , PVT tăng 0,7% và PVD tăng 0,5%.
Việc thị trường suy yếu hôm nay có thể một phần lý do là sự tăng nhiệt trong căng thẳng Trung Đông tác động lên thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng yếu tố lớn hơn vẫn tâm lý thận trọng về khả năng đột phá của thị trường.
Phiên giao dịch hôm nay là phiên thứ 5 thị trường giằng co sát vùng đỉnh 1.300 điểm mà chưa có tín hiệu rõ ràng nào về khả năng bứt phá. Điều này dễ dẫn tới quyết định cắt giảm bớt danh mục để đề phòng rủi ro trong tình huống thị trường quay đầu giảm./.
Hồng Quyên