Chứng khoán gặp khó trước mốc 1.300, NĐT nên áp dụng chiến lược gì quý cuối năm?
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giai đoạn lình xình, đi ngang của thị trường chứng khoán (TTCK) vào đầu quý IV là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hướng đến nhóm cổ phiếu tiềm năng tăng trở lại ở nửa sau quý IV cũng như đầu 2025.
Ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng phòng Chiến lược thị trường của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nêu quan điểm thị trường chung vẫn đang phân hóa và chưa tạo ra xu hướng tăng lớn trong dài hạn, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc giải ngân mua cổ phiếu mới.
-PV: TTCK có những cơ hội và thách thức gì trong quý cuối năm, thưa ông?
Ông Trần Đức Anh: Về mặt tích cực, áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhờ cung cầu ngoại tệ cân bằng và động thái hạ lãi suất của Fed, trong khi lạm phát chưa đáng ngại, tạo điều kiện để NHNN quay trở lại chính sách tiền tệ hỗ trợ và duy trì mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố tác động tích cực nhất đối với TTCK.
Thêm vào đó, tăng trưởng GDP quý III ở mức cao cùng kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong quý IV, với các động lực đến từ hoạt động xuất khẩu, môi trường lãi suất thấp, thúc đẩy đầu tư công cuối năm, thu hút vốn FDI, các chính sách kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản của Chính phủ… mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh cũng là yếu tố cơ bản hỗ trợ xu hướng thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, rủi ro thị trường trong quý IV phần nhiều sẽ đến từ các rủi ro ngoại biên như xung đột địa chính trị gia tăng ở khu vực Trung Đông, rủi ro các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc suy yếu, TTCK Mỹ đang ở vùng đỉnh lịch sử với đà tăng được đóng góp chính bởi nhóm cổ phiếu công nghệ khiến rủi ro điều chỉnh mạnh có thể xuất hiện nếu nhóm này suy yếu.
Ông Lê Tự Quốc Hưng: Về cơ hội, chính sách tiền tệ toàn cầu thuận lợi giúp giảm áp lực tỷ giá, gỡ bỏ áp lực lên nhà điều hành chính sách tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để dòng tiền quay trở lại và hỗ trợ thanh khoản.
Bên cạnh đó là biện pháp kích thích kinh tế tại Trung Quốc, bơm thêm 141,7 tỷ USD vào thị trường. Ngoài ra, tỷ lệ trả trước khi mua căn nhà thứ hai cũng giảm từ 25% xuống 15%, cùng với kế hoạch chi tiêu tài khóa khoảng 284 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định thị trường bất động sản nước này.
Thông tư 68 mới đây giúp các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dễ dàng giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam. Điều này có thể tạo động lực cho việc nâng hạng TTCK Việt Nam lên "thị trường mới nổi thứ cấp" trong kỳ đánh giá của FTSE Russell vào tháng 10.
Thêm nữa là tín hiệu từ dòng tiền từ khối ngoại quay trở lại vào cuối tháng 9, sau giai đoạn bán ròng.
Về mặt thách thức, đầu tiên là mối lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và các nước lớn vẫn là yếu tố bất định. Các chỉ số như thất nghiệp, lạm phát, và GDP của Mỹ sẽ là những chỉ số cần theo dõi chặt chẽ, vì có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam.
Căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine và tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là giữa Iran và Israel, có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu. Điều này làm gia tăng sự biến động của thị trường và tạo rủi ro cho dòng vốn quốc tế.
Cuối cùng, mặc dù dòng vốn ngoại quay trở lại vào cuối tháng 9, sự ổn định của dòng tiền này vẫn chưa được đảm bảo. Nhà đầu tư cần theo dõi thêm động thái của khối ngoại khi thị trường chạm ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.
-PV: Ông dự báo thế nào về diễn biến của TTCK quý IV?
Ông Trần Đức Anh: TTCK Việt Nam dự báo sẽ đóng cửa cuối năm ở trên mức 1.300 điểm với các động lực tăng trưởng như đề cập ở trên.
Mặc dù vậy, đà tăng sẽ tập trung vào giai đoạn nửa sau quý IV khi mùa báo cáo KQKD quý III cũng như các kỳ vọng với mùa báo cáo KQKD quý IV bắt đầu thẩm thấu vào thị trường, trong khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả.
Giai đoạn đầu quý, thị trường có diễn biến lình xình, đi ngang và gặp áp lực điều chỉnh mạnh quanh ngưỡng 1.300 điểm do thiếu các yếu tố thông tin hỗ trợ đủ mạnh sau nhịp tăng kéo dài từ đầu tháng 8.
Thanh khoản thị trường kỳ vọng cải thiện và giao dịch khối ngoại cân bằng hơn khi áp lực tỷ giá đã được giải tỏa, kết hợp với việc các ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất sẽ giúp phần nào dòng tiền rẻ chảy vào các TTCK mới nổi (bao gồm Việt Nam).
Ông Lê Tự Quốc Hưng: VN-Index dự báo tiếp tục chinh phục vùng kháng cự tâm lý 1.300 điểm trong quý IV. Riêng tháng 10, chỉ số dự kiến dao động trong biên độ 1.265 - 1.320 điểm. Nhìn xa hơn cho những tháng còn lại, VN-Index có thể hướng đến chinh phục vùng 1.334 - 1.380 điểm khi phản ánh mức tăng trưởng lợi nhuận quý III.
Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường là căng thẳng Trung Đông leo thang khiến VN-Index kiểm định lại vùng giao dịch P/E 13,5 lần, tương ứng với việc có thể quay về mức 1.230 điểm, trước khi phục hồi trở lại.
Thanh khoản thị trường được dự báo sẽ tăng mạnh trong quý IV, nhờ các chính sách tiền tệ hỗ trợ. Sự cải thiện trong thanh khoản cũng có thể đến từ việc các nhà đầu tư ngoại quay trở lại thị trường sau thời gian bán ròng kéo dài. VDSC kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ sớm quay lại mức trên 20.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng cuối năm.
Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ổn định nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc và chính sách tiền tệ hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Khối ngoại có thể tiếp tục đổ vốn vào các ngành có tiềm năng tăng trưởng như nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản, và công nghệ.
-PV: Những nhóm ngành nào được dự báo tích cực về mặt cơ bản trong quý III và quý IV, thưa ông?
Ông Trần Đức Anh: Mùa báo cáo KQKD quý III nhìn chung được kỳ vọng tiếp tục mang lại các con số tăng trưởng tích cực với mức tăng của toàn thị trường trong khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ.
Trong đó, đóng góp chính vào đà tăng đến từ các nhóm ngành tiếp tục thể hiện tăng trưởng ổn định nhờ hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như ngân hàng, công nghệ thông tin, bất động sản khu công nghiệp... trong khi một số ngành có khả năng tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp cùng kỳ như bán lẻ, hàng không…
Ông Lê Tự Quốc Hưng: Trong ngắn hạn, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III diễn ra, VDSC ưu tiên nhóm ngành ngân hàng.
Lý do là dự kiến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ đạt 10,5% từ đầu năm, tăng 19,4% so với cùng kỳ và 2,3% so với quý trước; NIM quý III có khả năng tăng nhẹ nhờ chất lượng tài sản cải thiện và việc ghi nhận lại các khoản thu lãi trước đây, trong khi tác động từ lãi suất đầu vào và đầu ra dự kiến không thay đổi đáng kể, giúp NIM quý này tăng khoảng 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ; chi phí tín dụng không còn là áp lực lớn lên lợi nhuận nhờ kỳ vọng chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện.
Bên cạnh đó, các ngành có giá sản phẩm, dịch vụ đang bước vào chu kỳ tăng mạnh như cao su và vận tải biển cũng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Ở khía cạnh ngược lại, dù định giá nhóm bất động sản đang khá hấp dẫn so với quy mô tài sản và các luật mới liên quan đến lĩnh vực này hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh vừa được thông qua, quá trình chuyển đổi từ dự án đến bán hàng, và ghi nhận doanh thu mất khoản thời gian khá dài.
Do đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể cần thêm thời gian để chuyển hóa tài sản thành tiền cho các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, giá thép đang tạo đáy có tiềm năng cho các giai đoạn phục hồi ở phía sau, tuy nhiên thời điểm phục hồi cần cần được theo dõi thêm.
-PV: Nhà đầu tư nên hành động ra sao trong ba tháng cuối năm, thưa ông?
Ông Trần Đức Anh: Giai đoạn lình xình, đi ngang của thị trường vào đầu quý IV là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hướng đến nhóm cổ phiếu tiềm năng tăng trở lại ở nửa sau quý IV cũng như đầu 2025.
Với sự phân hóa trong hoạt động kinh doanh của các nhóm ngành, cùng các rủi ro ngoại biên hiện hữu, xu hướng đầu tư thận trọng sẽ chiếm ưu thế, mang lại triển vọng tăng giá ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt, và tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh như ngân hàng, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng.
Ông Lê Tự Quốc Hưng: Thị trường chung vẫn đang phân hóa và chưa tạo ra xu hướng tăng lớn trong dài hạn, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc giải ngân mua cổ phiếu mới, ưu tiên các cổ phiếu đã có vị thế trong danh mục và có thể sử dụng 20 - 30% tài sản sẵn có để giao dịch trong ngắn hạn trong biên độ giao động hiện tại trước khi có nhịp bức phá vào tạo được một xu hướng tăng dài hạn.
-PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia trả lời phỏng vấn!
Xuân Nghĩa