Chứng khoán DSC 2 năm tăng vốn gấp 93 lần và bóng dáng vị chủ tịch 9x
Những lần "nhảy vốn" nghìn tỷ của Chứng khoán DSC và bóng dáng vị chủ tịch 9x
CTCP Chứng khoán DSC có tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, được thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 22 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, công ty niêm yết cổ phiếu mã DSC trên sàn UpCom và đổi tên thành Chứng khoán DSC. Trụ sở của công ty được chuyển ra Hà Nội đồng thời vốn điều lệ cũng "nhảy vọt" lên 1.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, dù đã có đợt tăng vốn cao gấp 50 lần trong năm trước đó, DSC lại một lần nữa tăng vốn bằng việc bán 100 triệu cổ phiếu ra công chúng và phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP.
Sau lần phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Chứng khoán DSC đã tăng vọt lên 2.048 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với năm trước. Nếu so với năm 2021, vốn điều lệ của DSC đã tăng gấp 93 lần chỉ sau 2 năm.
Theo cơ cấu cổ đông hiện tại thì CTCP Đầu tư NTP đang nắm giữu 34,2% vốn điều lệ và Chủ tịch HĐQT - Ông Nguyễn Đức Anh nắm giữ 35,6%. Trong đó, ông Nguyễn Đức Anh là vị chủ tịch 9x từng khiến giới đầu tư chú ý, cũng đồng thời đang giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư NTP.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Anh cũng đang là đại diện pháp luật của CTCP Thành Công Motor Việt Nam. Như vậy, vị doanh nhân 9x này không chỉ giữ vai trò chủ tịch của Chứng khoán DSC, mà còn là chủ tịch của một cổ đông khác là Đầu tư NTP.
Chứng khoán DSC đang kinh doanh ra sao?
Vừa qua, một tin vui cho cổ đông của DSC đã được công bố, mã chứng khoán DSC đã được HoSE chấp thuận niêm yết. Như vậy, 205 triệu cổ phiếu DSC với tổng giá trị hơn 2.048 tỷ đồng sẽ được giao dịch trên sàn HoSE. Trên sàn UpCom, cổ phiếu DSC vẫn đang được duy trì mức giá 23.000 đồng/cổ phiếu.
Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm Chứng khoán DSC ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 246,5 tỷ đồng, tăng 27%. Tuy nhiên chi phí hoạt động cũng tăng gấp đôi, lên 100,5 tỷ đồng. Phần lớn trong đó gia tăng từ chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng không đáng kể, đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính đã được tiết giảm từ 61,5 tỷ xuống còn 26,9 tỷ đồng. Kết quả công ty ghi nhận lãi sau thuế 78,9 tỷ đồng, tăng 40,6% so với năm trước.
Tính đến cuối Quý 2/2024, tổng tài sản của DSC ghi nhận 4.305,3 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với đầu năm. Giá trị tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 2.331,8 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm.
Cơ cấu nguồn vốn của DSC ghi nhận gần một nửa là nợ phải trả. Trong đó nợ phải trả chiếm 2.001,6 tỷ đồng với phần lớn là nợ vay ngắn hạn.
Bích Diễm