1. Tài chính

Chứng khoán châu Âu vẫn có 'chỗ đứng' trong danh mục đầu tư

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán Đức ở Frankfurt am Main. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vài năm qua, các thị trường chứng khoán Mỹ đã trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi tốt hơn và các công ty tại đây cũng thể hiện tiềm năng tăng trưởng vượt trội. Theo ông Guillaume Duchesne, trưởng bộ phận quản lý tại Ngân hàng Transatlantique ở Bỉ, châu Âu hiện có nhiều điểm yếu, trong khi các doanh nghiệp Mỹ lại sáng tạo hơn, điều này thể hiện rõ qua năng suất lao động. Để nâng cao năng suất, châu Âu cần phải thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo.

Kinh tế châu Âu hiện nay chịu ảnh hưởng nặng nề từ yếu tố quốc tế. Các ngành xuất khẩu, đặc biệt là xa xỉ phẩm và rượu mạnh, đang phải đối mặt với khó khăn do sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia lưu ý rằng sự sụt giảm tăng trưởng ở Trung Quốc đã làm giảm doanh thu của nhiều ngành kinh doanh chủ chốt, vốn phụ thuộc vào sức tiêu thụ toàn cầu.

Ngoài ra, châu Âu cũng gặp khó khăn vì sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng bên ngoài. Ông Duchesne cho rằng trong khi Mỹ gần như có thể tự chủ nguồn cung năng lượng, các quốc gia châu Âu lại phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ, vốn được định giá và kiểm soát ngoài khu vực.

Trong năm 2024, châu Âu dự kiến tăng trưởng chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức 2,6% của Mỹ. Yếu tố này thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường Mỹ, nơi triển vọng kinh tế tươi sáng hơn. Tuy nhiên, theo ông Duchesne, tình hình kinh tế chậm lại cũng có tác động tích cực ngắn hạn đến thị trường chứng khoán châu Âu khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất. Ông cho biết, mặc dù châu Âu có thể sẽ không phải đối mặt với suy thoái nghiêm trọng, tình trạng tiêu dùng chững lại và tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân châu Âu cho thấy một kịch bản thận trọng hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hai yếu tố gồm mức định giá hợp lý và lãi suất giảm vẫn tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn tại khu vực này.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý các rủi ro địa chính trị có thể tác động mạnh tới thị trường châu Âu. Sự gia tăng nợ công của các quốc gia cũng là yếu tố đáng quan ngại. Tuy nhiên, ông Duchesne nhấn mạnh thị trường không dự báo kịch bản khủng hoảng nợ công như đã từng xảy ra vào năm 2011.

Đối với các nhà đầu tư cư trú tại châu Âu, ông Duchesne khuyến nghị một danh mục đầu tư cân bằng với 55% cổ phiếu Mỹ và 45% cổ phiếu châu Âu. Ông ưu tiên các công ty lớn trong lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp, và tránh đầu tư vào các cổ phiếu tài chính và ngành ô tô. Bên cạnh đó, chính sách ESG (môi trường, xã hội, quản trị) của ngân hàng cũng loại trừ đầu tư vào các lĩnh vực gây tranh cãi như khí đá phiến, vũ khí và than đá.

Bằng cách duy trì một danh mục đầu tư cân bằng, các nhà đầu tư có thể tận dụng các cơ hội từ cả hai khu vực, đồng thời giảm thiểu rủi ro trước những bất ổn kinh tế và chính trị.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Tin khác