Chứng khoán cần gì để vượt mốc 1.300 điểm?
Sau phiên rung lắc đầu tuần, chỉ số VN-Index trải qua tuần giao dịch khởi sắc với những phiên tăng điểm ấn tượng. Các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó tâm điểm là nhóm ngân hàng, bứt phá tốt tạo động lực giúp thị trường hướng lên mốc 1.300 điểm.
Dòng tiền mua ròng mạnh của khối ngoại với giá trị tăng dần qua các phiên cũng góp phần củng cố cho điểm số chung. Việc thanh khoản tuần này cải thiện đáng kể so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã có sự vận động tích cực song diễn biến phân hóa cũng được thể hiện rõ nét hơn.
Ở phiên cuối tuần, VN-Index bắt đầu rung lắc ở ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Kết thúc tuần, chỉ số đóng cửa tại mốc 1.290,92 điểm, tăng 18,88 điểm (+1.48%) so với tuần trước.
Tâm lý thận trọng trở lại
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), phiên đóng cửa của VN-Index thể hiện sự lưỡng lự và tâm lý thận trọng gia tăng của nhà đầu tư khi chỉ số chung tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm.
Ở khung đồ thị ngày, hiện tượng giằng co rung lắc với áp lực chốt lời xuất hiện là điều dễ hiểu. Đà tăng của thị trường có tín hiệu chững lại nhưng điểm tích cực là nhóm ngân hàng vẫn đồng thuận nâng chỉ số.
Thực tế, thị trường đã ghi nhận diễn biến tăng điểm gần như liên tục từ phiên ngày 17/9 bắt đầu từ mốc 1.258 điểm lên 1.300 điểm. Do đó, VCBS cho rằng nhịp điều chỉnh tích lũy là cần thiết để ổn định mặt bằng giá mới.
Ở khung đồ thị giờ, các chỉ báo cũng cho thấy tình trạng biến động rung lắc với biên độ 5-10 điểm là điều bình thường.
Các chuyên gia từ VCBS nhà đầu tư không cần quá lo lắng khi thị trường vẫn đang ổn định và chưa có tín hiệu xấu. Công ty chứng khoán này tiếp tục duy trì khuyến nghị như những phiên gần đây về việc giữ tỷ trọng danh mục đối với cổ phiếu chưa có tín hiệu suy yếu và đang bước vào xu hướng tăng điểm thuộc các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Đối với các mã đã đạt mục tiêu và có tín hiệu điều chỉnh xuống đường MA20, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ dần tỷ trọng và chốt lời.
Ngoài ra, những nhịp rung lắc trong tuần tới là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn hoặc giải ngân mới cổ phiếu ở các vùng giá chiết khấu tốt đã có thời gian tích lũy từ khoảng 1 tháng trở lên và thu hút được dòng tiền như dầu khí, đầu tư công.
Với Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tiếp tục có nỗ lực vượt vùng cản tâm lý 1.300 điểm nhưng chưa thành và lùi bước. Thanh khoản giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy nguồn cung vẫn đang duy trì áp lực lớn khi thị trường tiến đến vùng cản.
Với tín hiệu nến thận trọng hiện tại, có khả năng diễn biến của thị trường tạm thời chậm lại và xuất hiện động thái điều chỉnh trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn cần cân nhắc đợt hồi phục này để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Thử thách ở mốc 1.300 điểm
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán VNDirect, chỉ số VN-Index tiếp tục có một tuần bứt phá và thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần.
Tuy vậy, áp lực bán gia tăng đã đẩy lùi chỉ số về lại sát mức 1.290 điểm. Đây là điều không bất ngờ vì từ đầu năm tới nay vùng trên 1.300 điểm vẫn luôn là vùng mà VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững.
Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm thì việc nhà đầu tư điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý FOMO “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng” là điều cần thiết.
Chuyên gia VNDirect cho rằng việc quản trị rủi ro danh mục đầu tư cần được đặt ưu tiên cao. Theo đó, nhà đầu tư cần chủ động chốt lời một phần những mã cổ phiếu đã tăng nhanh trên 15% trong 2 tuần gần đây và giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống ngưỡng an toàn (dưới 100%).
Ngoài ra, cần hạn chế việc giải ngân mới và sử dụng đòn bẩy tài chính, ít nhất cho đến khi VN-Index xác nhận rõ xu hướng vận động sau khi thử thách lại vùng kháng cự 1.300 điểm. Việc giải ngân mới chỉ nên được thực hiện khi VN-Index vượt thành công vùng kháng cự 1.300 điểm một cách chắc chắn và tin cậy hoặc lùi lại vùng giá hỗ trợ tại 1.260-1.270 điểm.
“Những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp”, ông Hinh khuyến nghị.
Minh Khánh