Chứng khoán ASEAN hứa hẹn tỏa sáng trong quí cuối năm
Nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô tới các thị trường trong khu vực để tìm kiếm tỷ lệ chia cổ tức cao hơn cũng như sự ổn định giữa làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu
Chỉ số MSCI Asean Index, theo dõi cổ phiếu của các công ty có vốn hóa vừa và lớn tiêu biểu ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines tăng gần 16% trong năm nay, tính đến cuối tháng Chín vừa qua.
Các chỉ số chứng khoán ở những nước này tăng từ 2,3% (Thái Lan) đến 13,4% (Malaysia) trong năm nay. Riêng chỉ số sàn Hose của Việt Nam tăng 14,1% trong cùng kỳ, nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố thuận lợi như kinh tế phục hồi, hiệu suất mạnh mẽ của các ngành, đặc biệt là tài chính và các điều kiện lạc quan của kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia, triển vọng thị trường chứng khoán khu vực trong quí cuối của năm nay cũng hứa hẹn tươi sáng.
“Đây là thời điểm tỏa sáng của chứng khoán Asean. Hiệu suất của các thị trường chứng khoán khu vực trong quí 3 phản ánh sự dịch chuyển mạnh mẽ các vị thế trong danh mục của nhà đầu tư khi họ tận dụng tác động tích cực từ chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Fed. Với khả năng Fed giảm thêm lãi suất và đồng đô la suy yếu trong thời gian tới, chứng khoán ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng vượt trội”, Hou Wey Fook, giám đốc đầu tư của ngân hàng DBS nhận định trong báo cáo gần đây.
Theo đó, các quỹ tín thác đầu tư bất động sản ở châu Á sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng giảm lãi suất do tính nhạy cảm cao của lĩnh vực này đối với chi phí vay. Ông khuyến nghị tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu của các quỹ này ở Singapore.
Tan De Jun, nhà quản lý danh mục đầu tư của FSMOne, một nền tảng môi giới trực tuyến ở Singapore cho biết, ngành tài chính của khu vực có hiệu suất tăng trưởng rất tốt, đặc biệt là cổ phiếu của ngành ngân hàng ở Singapore và Malaysia nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Các tuyên bố về nới lỏng tiền tệ của Fed cũng đã chuyển hướng sự chú ý của nhà đầu tư vào các ngân hàng ở ASEAN có tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn, phổ biến ở mức từ 4-6% mỗi năm.
Trái lại, cổ phiếu của lĩnh vực tiêu dùng tùy ý của khu vực có hiệu suất tăng giá kém nhất do nhu cầu nội địa suy yếu ở các nước ASEAN, theo báo cáo của hai nhà chiến lược thị trường toàn cầu Raisah Rasid và Adrian Wong của JP Morgan Asset Management.
Tuy nhiên, hai chuyên gia này nhận định, nhu cầu tiêu dùng ở các nước ASEAN sẽ sớm cải thiện. “Các chương trìnhh chi tiêu công ở Indonesia, cải cách lương ở Malaysia và phát tiền cho dân nghèo thông qua ví kỹ thuật số ở Thái Lan dự kiến thúc đẩy tiêu dùng trong nước”, trích báo cáo.
Bước sang quí 4, các nhà quan sát thị trường kỳ vọng, triển vọng chứng khoán ASEAN tiếp tục tích cực nhờ nhiều yếu tố.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Các ngân hàng trung ương khác ở ASEAN dự kiến giảm lãi suất trong những tháng tới. Raisah Rasid và Adrian Wong nhận định, sự chuyển dịch chính sách tiền tệ này sẽ lan tỏa tác động tích cực sang cổ phiếu của những ngành giá trị cốt lõi trong khu vực.
Trong trung hạn, dự đoán tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết ở ASEAN sẽ được hỗ trợ nhờ các yếu tố mang tính cấu trúc chẳng hạn như làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tan De Jun của FSMOne lưu ý thị phần của ASEAN trong đầu tư trực tiếp của nước ngoài trên toàn cầu đang trong xu hướng tăng. Xu hướng này sẽ duy trì ổn định trong tương lai gần khi các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc.
Chứng khoán ASEAN cũng là một sự lựa chọn đầu tư hấp dẫn về mặt tạo thu nhập nhờ tỷ lệ chia cổ tức tương đối cao. Hai chuyên gia Raisah Rasid và Adrian Wong dự báo, thu nhập của các công ty trong chỉ số MSCI Asean Index tăng khoản 15% trong năm nay, cao hơn so với mức tăng dự kiến 10% của các công ty Mỹ trong chỉ số S&P 500.
Theo Business Times
Lê Linh