Chứng khoán APG: Sắp lộ diện bên mua là tổ chức
Những thông tin về việc Chứng khoán APG bị thâu tóm bởi một nhóm cổ đông khác đã xuất hiện trên thị trường từ lâu và cũng có thể suy đoán trước những thông tin doanh nghiệp công bố trong 1 năm qua cũng như những biến động nhân sự HĐQT sau kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua.
Mới đây, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán APG đã bán 5 triệu cổ phần cổ phần theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 1 đến 4/10, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,27% (11,8 triệu cổ phiếu) xuống còn 3,03% (6,8 triệu cổ phiếu), chính thức không còn là cổ đông lớn. Trong thời gian này, có 3,25 triệu cổ phần được giao dịch thỏa thuận.
APG có vốn điều lệ 2.224 tỷ đồng, nhưng thanh khoản trung bình các phiên gần đây rất thấp, chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cổ phiếu một phiên.
Theo biên bản ĐHĐCĐ năm 2024 ngày 11/8, căn cứ vào danh sách chốt cổ đông ngày 3/6/2024, APG có gần 5.800 cổ đông sở hữu 224.000 cổ phiếu, nhưng ĐHĐCĐ đủ điều kiện diễn ra khi có chỉ 12 cổ đông sở hữu hoặc đại diện số cổ phần tương đương hơn 61% cổ phần biểu quyết của APG. Tại thời điểm biểu quyết, có 16 cổ đông đại diện cho 75% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, một lượng cổ phần đủ điều kiện chi phối công ty nằm trong tay một nhóm cổ đông, trong đó, chỉ có Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng thời điểm đó vẫn là cổ đông lớn duy nhất, sở hữu 5,17% cổ phần.
Hiện nay, danh tính của bên mua APG vẫn chưa lộ diện. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả biểu quyết các tờ trình bao gồm cả bầu thành viên HĐQT mới tại ĐHĐCĐ APG hồi tháng 8/2024 với số phiếu biểu quyết tán thành là 100% có thể thấy, nhóm cổ đông sáng lập đại diện là ông Hưng và nhóm cổ đông mới đã đạt được sự đồng thuận.
Chỉ riêng tờ trình chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 9% và phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động không được thông qua với tỷ lệ không tán thành tương đương nhau về số lượng cổ phần khoảng 125 đến 127 triệu cổ phần. Qua tỷ lệ này cũng có thể suy đoán, nhóm cổ đông bên ngoài có thể sở hữu cổ phần đủ để chi phối APG.
Tại ĐHĐCĐ APG vào tháng 8, đã tiến hành bầu bổ sung 4 ứng viên tham gia thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2026, bao gồm ông Huỳnh Đức Hùng, ông Lê Đình Chí Linh, ông Lê Bình Phương và ông Huỳnh Minh Tuấn. Ông Hùng từng đảm nhận chức danh Giám đốc tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) (1997-2019) và Ngân hàng Bản Việt (BVBank); ông Linh đang là Trưởng phòng tại CTCP Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (FAST); ông Phương hiện là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Phương Thành Công; ông Tuấn là Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT.
Cả 4 thành viên HĐQT mới được bầu đều không sở hữu cổ phần APG. Ông Hùng và ông Linh giữ vai trò thành viên HĐQT độc lập.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán APG đạt 95,24 tỷ đồng, giảm 48,86% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 49,8 tỷ đồng, giảm hơn 54% so với cùng kỳ. Công ty mới hoàn thành 24,42% mục tiêu doanh thu và 20,84% mục tiêu lợi nhuận.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, APG phát hành thêm gần 224 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phần, dự kiến huy động 2.236 tỷ đồng. Sau đó, sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2024.
Với kế hoạch này, vốn điều lệ của APG dự kiến tăng lên 5.500 tỷ đồng. Với cơ cấu cổ đông cô đặc như nói trên, không khó để dự đoán những cổ đông đang nắm giữ cổ phần chi phối APG sẽ tiếp tục rót thêm vốn để tăng quy mô tài chính của công ty này.
Tại phiên giao dịch ngày 11/10/2024, cổ phiếu APG đóng cửa ở mức giá 10.450 đồng/cổ phiếu, tăng 3,47%.
Thu Hương