Chứng khoán ABS điểm mặt 3 cổ phiếu nhóm VN30 mang đến cơ hội sinh lời nhờ định giá hấp dẫn
Trong báo cáo mới cập nhật, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS Research) cho rằng thị trường chứng khoán bước sang tháng 10/2024 với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực.
Về mặt định giá, P/E của VN-Index đã tăng nhẹ từ 14,01x cuối tháng 8/2024 lên 14,05x cuối tháng 9/2024, thấp hơn mức bình quân 14,07x của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh toàn thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.
Đặc biệt, các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 đang có định giá P/E là 13,0x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,04x) và VNSML (15.49x).
Trong bối cảnh này, ABS Research khuyến nghị mua ba cổ phiếu tiềm năng thuộc nhóm VN30 là PLX, TPB, và VPB, dựa trên tiềm năng tăng trưởng và định giá hấp dẫn.
Cụ thể, ABS Research đánh giá tích cực cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp này dựa trên thị trường phân phối xăng dầu tại Việt Nam, dự báo sẽ tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 4,3%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.
Trong khi đó, Petrolimex với vai trò là nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam, hiện đang sở hữu mạng lưới 5.500 cửa hàng trên toàn quốc, chiếm hơn 50% thị phần kinh doanh và bán lẻ xăng dầu của cả nước, tạo ra một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ.
Ngoài ra, ABS Research cũng nhận định Petrolimex có cơ hội mở rộng thị phần nhờ vai trò đầu mối trong lĩnh vực xăng dầu, đặc biệt khi một số công ty đầu mối khác bị rút giấy phép hoạt động.
Bên cạnh đó, việc sớm triển khai hóa đơn bán lẻ cũng là một động lực giúp Petrolimex tăng cường sức cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ triển vọng của Petrolimex là Dự thảo Nghị định lần 4 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương công bố gần đây. Dự thảo này đưa ra nhiều điểm mới có lợi cho các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, với ưu thế về thương hiệu, quy mô mạng lưới, kho chứa, và kinh nghiệm. Với mạng lưới cửa hàng rộng lớn và chiếm trên 50% thị phần, Petrolimex được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể từ những thay đổi này.
Dựa trên các yếu tố trên, ABS Research dự phóng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Petrolimex trong năm 2024 có thể đạt 3.988 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở nhóm ngân hàng, ABS Research khuyến nghị cổ phiếu TPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) nhờ kết quả kinh doanh quý 2/2024 tăng trưởng.
Trong quý vừa qua, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 4.236 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.904 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 8% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Một yếu tố tích cực khác là chi phí hoạt động của TPBank đã giảm xuống 1.383 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ, góp phần hỗ trợ lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng vẫn ở mức tương đối cao, đạt 949 tỷ đồng, do TPBank vẫn đang tập trung xử lý nợ xấu.
Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm xuống còn 2,06% từ mức 2,23% của quý trước, giúp TPBank duy trì mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng từ 60% lên 66%, cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang được cải thiện rõ rệt.
Về tăng trưởng tín dụng, TPBank ghi nhận mức tăng 4,2%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 6%. Tuy nhiên, ABS Research lạc quan rằng với sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng và thị trường bất động sản dự kiến vào cuối năm 2024 và năm 2025, mức tăng trưởng tín dụng của TPBank sẽ cải thiện trong các quý tới.
Một cổ phiếu ngân hàng khác trong rổ VN30 cũng được ABS Research khuyến nghị mua là VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Kết thúc quý 2/2024, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 16.128 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4.483 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 72% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt 12.408 tỷ đồng, tăng 42%, nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 7,8% (cao hơn bình quân ngành) và biên lãi ròng (NIM) hồi phục tốt.
Về mặt chi phí, VPBank đã ghi nhận chi phí hoạt động ở mức 3.331 tỷ đồng, giảm 9% so với quý 2/2023, chủ yếu nhờ cắt giảm chi phí nhân sự, giúp tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) giảm xuống mức 20,7%, thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng vẫn ở mức cao, đạt 8.313 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, do chất lượng tài sản vẫn gặp nhiều thách thức.
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã tăng thêm 0,24 điểm phần trăm so với quý trước, lên mức 5,08%. Đáng chú ý, nợ xấu tại ngân hàng mẹ giảm từ 4,8% trong quý 1 xuống còn 3,3%, trong khi nợ xấu tại FeCredit ước tính ở mức hơn 20%. Trong quý 2, VPBank cũng đã hoàn tất tất toán 4.350 tỷ đồng trái phiếu VAMC ghi nhận từ quý 4/2023.
Dù tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ đỉnh 6,52% trong quý 2/2023 xuống còn 5,08%, con số này vẫn cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Điều này phần nào phản ánh mô hình kinh doanh có khẩu vị rủi ro cao của VPBank, với tỷ trọng cho vay tín chấp và bất động sản lần lượt chiếm 20% và 22% dư nợ tín dụng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank cũng chỉ đạt 48%, cho thấy áp lực trích lập dự phòng vẫn còn kéo dài trong thời gian tới.
Quay trở lại với diễn biến thị trường chứng khoán tháng 10/2024, ABS Research nhận định thị trường tiếp tục diễn biến trong vùng 1.305 – 1.185 điểm và có kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng cuối năm.
Cùng với đó, thanh khoản của thị trường giai đoạn vừa qua ở mức trung bình, vì vậy ABS Research khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chú ý đến các cổ phiếu quy mô vừa trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, kho vận.
Mạnh Duy