Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ về việc tham gia dự án đường sắt cao tốc
Ngày 17-4, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.
Ban lãnh đạo của Hòa Phát tại sự kiện - Ảnh: NGỌC DIỆP
Phát biểu mở đầu sự kiện, ông Trần Đình Long Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khẳng định niềm vui khi lần đầu tiên có trên 1.000 cổ đông đến dự, Hòa Phát phải lùi giờ họp gần 1 tiếng rưỡi.
Nói về tình hình doanh nghiệp, ông Long cho biết rất hạnh phúc khi Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thép.
Tâm lý thận trọng trong bối cảnh có nhiều bất định
Trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, ông Long cho biết lần này, ban lãnh đạo Hòa Phát cũng rất cẩn trọng, đề phòng cho nhiều khả năng xảy ra. Nếu đàm phán của Việt Nam có kết quả tốt, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên và kéo theo sự đi lên của Hòa Phát. Cũng mong tại đại hội, cổ đông có quan điểm lạc quan nhưng cũng phải thận trọng.
Nói về mục tiêu kết quả kinh doanh trong năm 2025, Chủ tịch Hòa Phát cho biết năm 2025, Hòa Phát sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của Dung Quất 2, đó là nỗ lực cố gắng của gần 40.000 cán bộ nhân viên tập đoàn, nhờ vậy ra được sản phẩm mới.
Nhiều người lo lắng về kịch bản thép của nước ngoài tràn sang sẽ khiến cho Hòa Phát khó bán hàng, tuy nhiên thép của Hòa Phát cho đến giờ vẫn bán tốt.
Theo kế hoạch năm 2025, ban lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu rất tham vọng. Ban đầu các doanh nghiệp thành viên trình lên 10.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế và 150.000 tỉ đồng doanh thu. Sau đó chốt lợi nhuận 15.000 tỉ đồng lợi nhuận và 170.000 tỉ đồng doanh thu, tăng lần lượt 21% và 24,7% so với năm 2024.
Tuy nhiên HPG đã đạt 37.000 tỉ doanh thu và 3.300 tỉ lợi nhuận sau thuế trong quý đầu 2025, một kết quả đạt kỳ vọng.
Hòa Phát sẽ tham gia như thế nào và các dự án đường sắt?
Chia sẻ về sự tham gia của tập đoàn Hòa Phát vào các dự án lớn, ông Long cho biết trong cuộc họp tháng 9-2024 khi Chính phủ mời doanh nghiệp lớn để đóng góp cho kinh tế đất nước và có giao nhiệm vụ, Hòa Phát có đồng ý sản xuất đường ray tàu, Hòa Phát có thể cung cấp sắt thép đường ray, các phần như đầu máy toa xe thì Hòa Phát có thể cung cấp vật liệu.
"Dự án sản xuất ray trong nhà máy Dung Quất 2 với tổng đầu tư ước chừng khoảng 14.000 tỉ đồng, dự án này mới, thép ray chưa sản xuất ở Việt Nam bao giờ, khi đã sản xuất đường ray rồi thì đã thực hiện được cam kết, các loại thép từ đường ray trở xuống bao gồm thép đường ray, thép dự ứng lực, thép làm hầm, làm cầu"- ông Long nói.
1.046 cổ đông đã đến dự ĐHĐCĐ của Hòa Phát, nhiều nhất từ trước đến nay - Ảnh: NGỌC DIỆP
Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ doanh nghiệp sẽ tham gia tất cả dự án về đường sắt. Ngoài quyết tâm của Hòa Phát, bối cảnh vĩ mô cũng đang thuận lợi, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ giao đơn hàng cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và Hòa Phát sẽ có thêm đơn hàng.
Với câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc thương chiến sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kết quả kinh doanh, đại diện tập đoàn Hòa Phát cho biết sản phẩm Hòa Phát đang xuất đi hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỉ trọng chỉ 1% nên cũng không cần phải quá lo ngại.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về chia cổ tức tiền mặt, ông Long cho biết trong năm nay do biến động thuế quan sau ngày 2-4, Hòa Phát lập tức tính đến thế phòng thủ, vì vậy không chia cổ tức tiền mặt. Sau khi công bố quyết định này, thị trường chứng khoán vẫn đồng cảm với quyết định của ban lãnh đạo Hòa Phát. Từ 2026, Hòa Phát sẽ chia cổ tức tiền mặt nếu không có gì thay đổi đặc biệt.
NGỌC DIỆP