1. Chứng khoán

Chủ tịch Coteccons tự tin theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ 2024 - 2025 tổ chức ngày 19/10, các cổ đông Công ty CP Xây dựng Coteccons đã chất vấn ban lãnh đạo về việc cổ phiếu đang được giao dịch ở mức dưới giá trị sổ sách trong thời gian dài.

Giá cổ phiếu Coteccons dao động quanh 63.400 đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm và thấp hơn 18% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 3. Chỉ số P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) đang được xác định quanh 0,76 lần.

Trước mức định giá thấp này, các cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo cần có hành động để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons, ông Bolat Duisenov cho biết không chỉ ngành xây dựng và bất động sản, tất cả những ngành liên quan như vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp về chuỗi cung ứng cho lĩnh vực này, đều ghi nhận sự ảm đạm, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn.

Tuy nhiên, ở niên độ tài chính từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, Coteccons đạt kết quả vượt trội so với thị trường, với doanh thu 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 343%, đạt gần 300 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đều vượt kế hoạch.

Trong năm, Coteccons ghi nhận giá trị trúng thầu 22.000 tỷ đồng, trong đó có 41 dự án bằng hình thức "repeat sales" - thắng thầu hoặc được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ.

Ông Bolat nêu thêm con số tăng trưởng kép trung bình trong ba năm qua đạt 30% và Coteccons tiếp tục theo đuổi tốc độ trên.

Kế hoạch ở niên độ tài chính 2025 là 25.000 tỷ đồng doanh thu và 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 18% và 54%.

Trước mắt, lượng đơn đặt hàng tồn đọng cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng.

"Kết quả kinh doanh và chất lượng công ty phụ thuộc vào ban điều hành, nhưng giá cổ phiếu lại do thị trường nhìn nhận và điều này nằm trong tay các cổ đông", ông Bolat chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons Bolat Duisenov.

Duy trì tốc độ tăng trưởng

Ban lãnh đạo Coteccons cho biết vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng cao, từ 20 - 30% trong những năm tiếp theo với kế hoạch trúng thầu năm 2025 lên tới 28.000 tỷ đồng.

Tính tới quý I niên độ tài chính 2024 - 2025, kế hoạch trúng thầu đã đạt 30% kế hoạch năm và Coteccons hy vọng có thể hoàn thành kế hoạch năm.

Năm nay, chiến lược trọng tâm của Coteccons là giữ vững tăng trưởng ở mảng kinh doanh cốt lõi và xây dựng nền tảng các mảng kinh doanh mới là vươn ra thị trường quốc tế.

Việc dịch chuyển chiến lược cũng dẫn tới sự thay đổi về cơ cấu nhân sự. Coteccons vừa miễn nhiệm ông Võ Hoàng Lâm khỏi vị trí tổng giám đốc và bổ nhiệm ông vào vị trí phó tổng giám đốc Coteccons kiêm tổng giám đốc của Coteccons Business Unit 01 - chuyên về hạ tầng, đầu tư công và đầu tư nước ngoài (FDI).

Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng rất lớn từ việc thực hiện các dự án của những chủ đầu tư vốn FDI. Do đó, ngoài là một nhà thầu có tiếng ở mảng bất động sản dân dụng, họ cũng muốn được biết đến như một doanh nghiệp uy tín về xây dựng công nghiệp.

"Hiện tại, các dự án lớn, quan trọng và có tiếng từ vốn FDI khắp ba miền đều do Coteccons thực hiện", ông Lâm cho biết.

Cơ cấu doanh thu của Coteccons đã có sự chuyển dịch khi mảng công nghiệp với phần lớn là các dự án có vốn FDI chiếm tỷ lệ lớn 50%, dân dụng khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%.

Khi nguồn thu đa dạng, công ty có thể tăng trưởng ổn định hơn và thực tế thời gian qua, thị trường trong nước chưa phục hồi, Coteccons vẫn có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài. Trong năm tới, các dự án FDI chiếm tới 40% tổng giá trị đơn đặt hàng tồn đọng.

Coteccons cũng hướng tới chiến lược "theo chân" các khách hàng của họ tiến ra nước ngoài. Không chỉ các doanh nghiệp nội, Coteccons cũng muốn thực hiện repeat sales với các khách hàng quốc tế, trong đó Coteccons đã đối thoại với Lego về dự án nhà máy ở Mỹ ở một số hạng mục xây dựng.

Trần Anh

Tin khác