Chủ hãng Vodka Hà Nội vẫn lỗ nặng
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội - Halico (UPCoM: HNR) ghi nhận doanh thu thuần hơn 22 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Dù doanh thu tăng, tình trạng giá vốn hàng bán tăng cao hơn khiến lợi nhuận gộp của nhà sản xuất này giảm 13%.
Không chỉ giá vốn tăng, Halico còn chứng kiến chi phí bán hàng và quản lý tăng lần lượt 19% và 30%. Tình trạng này khiến lợi nhuận sau thuế của chủ hãng rượu Vodka Hà Nội âm gần 5 tỷ đồng trong quý, mức lỗ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức lỗ nặng nhất kể từ quý IV/2022.
Lũy kế 9 tháng năm nay, doanh thu thuần của Halico tăng gần 13% lên 80 tỷ đồng. Song, công ty vẫn lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, nhà sản xuất này đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 113 tỷ đồng và lỗ trước thuế gần 9 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh, Halico đã hoàn thành 71% chỉ tiêu doanh thu và đang tiến gần đến mức lỗ dự kiến.
Nếu tiếp tục báo lỗ năm nay, Halico sẽ ghi nhận năm thua lỗ thứ 9 liên tiếp.
Điểm tích cực là từ năm 2017 đến nay, các khoản lỗ của doanh nghiệp đang có xu hướng giảm dần.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Halico giảm nhẹ 2% xuống gần 370 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các khoản tiền gửi ngân hàng chiếm gần 38%. Doanh nghiệp cũng đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 465 tỷ đồng.
Công ty Rượu Hà Nội tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898, là nhà máy sản xuất cồn rượu đầu tiên tại Việt Nam.
Ở thời hoàng kim, nhà máy này chiếm đa số thị phần rượu phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Hãng thậm chí từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất thị trường, với mức tăng bình quân 25%/năm.
Tuy nhiên, bước ngoặt kinh doanh của công ty đến sau khi hoạt động buôn lậu rượu bị phanh phui với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Kết quả là hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự và hoạt động kinh doanh lao dốc.
Minh Khánh