Chờ đợi những giải pháp 'nóng'!
Theo chương trình nghị sự, đầu tuần tới Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ là một trong 3 bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Ngồi ghế “nóng” lần này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Trong đó, có công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai...
Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, đảm bảo sinh kế, tạo việc làm cho người dân như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ngoài ra, trước ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, ngành ngân hàng đã tích cực và kịp thời triển khai ngay các giải pháp góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại… Điều đó cho thấy sự chủ động vào cuộc, chia sẻ của ngành ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp để vượt khó.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình tín dụng cũng còn hạn chế, khó khăn. Đối với Chương trình 120 nghìn tỷ đồng, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, một số dự án còn gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai... Đây cũng chính là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thời gian qua khi đề cập đến tỉ lệ giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng còn khiêm tốn.
Để tháo gỡ những khó khăn, người dân và doanh nghiệp mong muốn cần có những gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay, nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn. Khắc phục cho được tình trạng chính sách thì rất “thông”, nhưng khi triển khai lại “tắc” vì thủ tục. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng.
Tham gia “chia lửa” với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đối với lĩnh vực này còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người dân, và doanh nghiệp mong rằng, những nút thắt này sẽ được các đại biểu tiếp tục đặt ra ở phiên chất vấn tới. Cùng với đó là những cam kết hành động và giải pháp “nóng” để tháo gỡ từ Chính phủ, "tư lệnh" ngành ngân hàng và của những bộ, ngành có liên quan.
Chất vấn là cơ hội để các bộ trưởng, trưởng ngành chia sẻ với cử tri, với Nhân dân ở một diễn đàn lớn về những điều mình đã làm được, và cả những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những tồn tại yếu kém trong quản lý, điều hành. Qua đó, thấy rõ hơn trách nhiệm, cũng như rõ giải pháp của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Song Hà