Chính sách tiền tệ, vẫn 'ủng hộ' thị trường chứng khoán
Thêm dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi 0,5% lãi suất USD trong cuộc họp giữa tháng 9/2024, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng nối gót.
Đơn cử, ngày 25/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) quyết định hạ lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) cho các ngân hàng thương mại từ 2,3%/năm xuống 2%/năm.
Trước đó, ngày 18/9, trước thời điểm Fed chắc chắn sẽ giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã giảm lãi suất chuẩn 0,25%/năm xuống còn 6%/năm, đồng thời lần lượt hạ lãi suất tiền gửi và cho vay qua đêm cũng với mức tương tự xuống còn 5,25%/năm và 6,75%/năm, ngoài ra còn cho biết sẵn sàng cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa trong quý IV/2024.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) cũng giảm lãi suất 0,25%/năm về mức 6,25%/năm, bất chấp áp lực lạm phát tăng trở lại…
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm giảm một số loại lãi suất như lãi suất tín phiếu và lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO). Cụ thể, từ ngày 5/8/2024, hai loại lãi suất này giảm 0,2%/năm về mức 4,25%/năm. Đến ngày 20/8/2024, lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm xuống còn 4,2%/năm và ngày 16/9/2024, lãi suất trên OMO tiếp tục giảm xuống 4%/năm.
Dù vậy, thị trường mong đợi một quyết định giảm lãi suất điều hành như trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu vốn đã được duy trì tương ứng ở các mức 4,75%/năm, 4,5%/năm và 3%/năm từ ngày 19/6/2023 đến nay. Giới phân tích cho rằng, chính sách này nếu được thực thi sẽ là một quyết sách tác động mạnh đến thị trường và phần nào giúp kìm hãm đà tăng lãi suất tiền gửi từ đầu quý II/2024.
Trước kỳ vọng chính sách sẽ nới lỏng hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như đi theo xu hướng chung trên thế giới về việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh tiền đồng đã tăng giá trở lại từ đầu quý III/2024, NHNN càng có thêm dư địa để xem xét cắt giảm lãi suất, mà không quá e ngại rủi ro tỷ giá như giai đoạn trước.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, NHNN khó có thể giảm thêm lãi suất tại thời điểm này. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, một trong những lý do có lẽ là e ngại rủi ro lạm phát vẫn khó lường trước ảnh hưởng tiêu cực từ các đợt bão lũ có thể đẩy giá hàng hóa trong nước leo thang. Ngoài ra, dù tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại, nhưng xu hướng giá vàng tăng mạnh gần đây cũng là một biến số tác động lên kênh tiền gửi ngân hàng.
Ngân hàng UOB nêu quan điểm, NHNN có thể sẽ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn, hướng tới những cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão lũ và tiếp tục duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm.
Các chuyên gia tại VinaCapital lại tin rằng, Chính phủ có nhiều công cụ có thể sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế, chẳng hạn tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản, hơn là quyết định giảm lãi suất.
Tại phiên họp báo quý III/2024 ngày 17/10/2024, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ nay đến cuối năm, để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cũng như khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhà điều hành sẽ tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá ổn định. Mặc dù vậy, lãnh đạo NHNN cũng để ngỏ khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành.
Về tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các “cú sốc” bên ngoài. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến linh hoạt.
Theo ông Tú, trước đây, có thời điểm tiền đồng mất giá 5 - 6% so với USD nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1 - 2%, là mức biến động rất thấp. Điều này đã tạo niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi
Theo dự báo của HSBC, trong thời gian còn lại của năm, khả năng Fed sẽ thêm 2 lần cắt giảm lãi suất USD trong tháng 11 và tháng 12/2024, với mỗi lần cắt giảm 25 điểm phần trăm.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, một trong những lý do đó là kinh tế Mỹ tăng trưởng khi lạm phát “hạ nhiệt” trong tháng 9, nếu tiếp tục giảm thêm trong tháng 10 thì nhiều khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm thêm 25 điểm phần trăm trong tháng 11, bởi Fed không muốn giữ lãi suất USD cao quá lâu khiến nền kinh tế đi xuống. Cơ quan này cũng cho biết, trong từng kỳ họp sẽ dựa vào số liệu kinh tế để làm cơ sở cắt giảm lãi suất, nên nếu tình hình lạm phát khả quan thì lãi suất USD sẽ còn giảm (thực tế, ngày 7/11, Fed đã quyết định cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất đưa lãi suất quỹ liên bang xuống phạm vi từ 4,5 - 4,75%).
Tại Việt Nam, chính sách điều hành tỷ giá của nhà điều hành cũng rất linh hoạt. Trong các đợt ngân hàng làm repo với NHNN và ngược lại, tiền vẫn nằm trong hệ thống. Mục tiêu của NHNN là làm sao để thanh khoản liên ngân hàng đảm bảo tốt thì lãi suất liên ngân hàng sẽ ổn định, từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Bởi vậy, thị trường kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn nhạy cảm với lãi suất và bối cảnh này sẽ mang lại tác động tích cực.
Theo Dragon Capital, những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp nên có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh, từ đó cải thiện lợi nhuận. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá trị cũng như cổ phiếu của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam, quyết định giảm lãi suất của Fed đã mang lại những tác động tích cực rõ rệt. Trước tiên, việc giảm lãi suất giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái. Hiện tại, tỷ giá ngoại tệ đang giao dịch ở mức 24.650 VND/USD và VND đã tăng hơn 3% so với 2 tháng trước đây. Đồng thời, việc Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn, góp phần thúc đẩy giải ngân cho đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Thực tế cũng cho thấy, 40% số doanh nghiệp trên HOSE đã tăng trưởng hơn 20% trong 2 quý gần nhất, với 48% doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng quý ở mức 2 chữ số. Cùng với đó, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ 2/11/2024) sửa đổi các quy định ký quỹ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng là một động lực quan trọng giúp nâng hạng thị trường Việt Nam lên tiêu chuẩn FTSE trong tương lai.
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, khó khăn đã ở lại phía sau và dự báo lợi nhuận 2024 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi. Theo đó, lãnh đạo Dragon Capital kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm 80 công ty niêm yết chiếm trên 80% giá trị vốn hóa thị trường sẽ đạt trung bình 18% trong năm nay.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, Fed tiếp tục lộ trình giảm lãi suất USD sẽ tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng. Nếu tỷ giá bớt áp lực và trong bối cảnh USD hạ nhiệt, NHNN sẽ không cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó. Việc Fed tiếp tục có hành động cắt giảm lãi suất tạo dư địa cho chính sách tiền tệ cũng như giữ lãi suất thấp của Việt Nam vẫn còn. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt, gần đây, NHNN đã thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Tất cả những động thái này cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn. Điều này giữ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định, thậm chí chủ trương của nhà điều hành đưa ra yêu cầu các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm khó tăng cao, nguồn tiền nhàn rỗi sẽ tìm sang các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn như chứng khoán, trong khi doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí lãi vay, từ đó tác động tích cực lên hiệu quả kinh doanh quý cuối năm cũng như cả năm nay”, ông Huân nhìn nhận.
Thùy Vinh