Chính sách nào hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội?
Sáng 11/11, trong phiên chất vấn – trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đó là việc hỗ trợ người thu nhập thấp vay tiền mua nhà ở xã hội; hỗ trợ thị trường bất động sản.
Giải pháp nào hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội?
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, người thu nhập thấp rất khó tiếp cận nguồn vốn cho vay mua nhà ở, NHNN có chính sách gì để hỗ trợ; đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp của NHNN đẩy nhanh tiến độ cho vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư theo nghị quyết của Chính phủ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng chương trình một triệu căn hộ nhà xã hội là chủ trương lớn, nhân văn, giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, cần rất nhiều nguồn vốn như ngân sách Nhà nước. NHNN cũng báo cáo Chính phủ về việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra gói 120.000 tỷ, đến nay đã lên đến 145.000 tỷ đồng. Vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm 1,5-2% so với mức thông thường trong 3 năm với người có thu nhập thấp và 5 năm với chủ đầu tư. Nhưng giải ngân vốn thấp, do địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này; việc này là cho vay thông thường nên khách vay vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện.
"Trong bối cảnh sau COVID-19, người bình thường đã rất khó khăn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân. Nên họ không thể đi vay để sở hữu nhà" – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích và cho biết đây là giai đoạn đầu triển khai, chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế bớt khó khăn sẽ tăng giải ngân. Bộ Xây dựng và địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở của người thu nhập thấp để có giải pháp phù hợp.
Trả lời đại biểu Trần Thị Vân, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, chủ yếu nguồn lực được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước. NHNN đã đề xuất gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra, những đối tượng thuộc diện được cho vay, hỗ trợ nhà ở, đất ở trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì khi được bố trí nguồn của các chương trình thì sẽ được vay vốn, hỗ trợ…
Không khuyến khích người dân tích trữ vàng
Tiếp tục quan tâm đến thị trường vàng, rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về nội dung này. Cụ thể, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), cho rằng, cửa hàng tư nhân gặp khó khi chứng minh nguồn gốc vàng; đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) chất vấn về quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc quản lý thị trường vàng; đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) chất vấn về giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế; đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Thanh Hóa) chất vấn về giải pháp để người dân yên tâm sự ổn định của đồng tiền Việt Nam (VNĐ), từ bỏ tâm lý tích trữ vàng.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chúng ta chống vàng hóa, đôla hóa nên không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất; đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán... Vì vậy, chính sách của NHNN là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. "Vì vậy mới có chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng" – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích và cho biết NHNN đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.
Về câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: "hiện vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới". Trước khi NHNN can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300-2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên 2.700 USD. So với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%. NHNN can thiệp thị trường vàng để thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng. “Tuy vậy, giá vàng chưa ổn định do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Chưa kể, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế” - Thống đốc nói và khẳng định nhà điều hành theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết.
Về lâu dài, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của NHNN là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp. Liên quan tới việc khi vàng miếng SJC điều chỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng thay đổi theo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích, thực tế người dân mua cao thì bán cao và ngược lại.
Với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, họ phải tính toán để không chịu rủi ro khi chỉ là trung gian mua bán. Còn tổ chức mua vàng rồi sau đó bán lại, họ cũng chịu rủi ro về vốn. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp không được vay để mua vàng, nên họ cũng phải thận trọng trong cân đối vốn bởi mua lúc cao, bán khi thấp có thể chịu rủi ro. "Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. NHNN cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp" – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Phương Thủy