Chính sách của Fed và những biến số của đồng USD
Trong nước, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng “đỉnh nóc, kịch trần” trong những ngày giữa tháng 11 này. PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN, Đại học Kinh tế TPHCM đã có một số chia sẻ với ĐTTC các diễn biến này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao Fed tiếp tục giảm lãi suất lần thứ hai nhưng giá trị USD trên thị trường quốc tế lại trong xu hướng tăng mạnh?
PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN: - Thông thường, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm giảm giá trị đồng USD so với các đồng tiền khác, do nhu cầu nắm giữ USD giảm và dòng vốn sẽ chảy sang các thị trường khác có lợi suất cao hơn. Tuy nhiên, đồng USD vẫn tăng giá trước động thái giảm lãi suất của Fed, đó là do các chính sách ông Donald Trump đã tuyên bố trong quá trình tranh cử Tổng thống với mục tiêu sẽ làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tức ông Trump sẽ tiến hành những áp đặt các hạn ngạch về thuế quan và phi thuế quan nhằm hạn chế hàng xuất khẩu vào Mỹ, bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Chính sách đó sẽ tạo rào cản đối với doanh nghiệp bên ngoài, nhưng giúp cho các công ty của Mỹ hưởng lợi. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân Mỹ.
Thêm nữa, trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden lạm phát quá cao. Tuy điều này không phải do việc điều hành kém, mà do tác động từ xung đột Nga-Ukraine, song nó vẫn gây ảnh hưởng rất nhiều đối với người dân Mỹ. Và sau một khoảng thời gian kiềm chế lạm phát, thành quả hiện tại là lạm phát của Mỹ đã về mức thấp. Điều này có yếu tố thời thế cho ông Trump.
Tất cả những kỳ vọng nói trên đã làm cho thị trường chứng khoán Mỹ và chỉ số DXY tăng lên. Nói cách khác, việc Fed giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay với mức 0,25% vào ngày 7-11, không mạnh bằng sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Vì vậy, đồng USD vẫn tăng giá mạnh mẽ.
- Ông có thể dự báo đà tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế sẽ còn kéo dài đến mức nào?
- Theo tôi, đồng USD đang tăng giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Các nhà đầu tư đang hưng phấn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, làm cho chỉ số DXY tăng mạnh, dù ông Trump hiện vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức và chưa có chính sách nào đi vào thực thi. Tất cả là yếu tố kỳ vọng, và điều này sẽ phản ứng trong một thời gian ngắn. Quan trọng là khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, ông sẽ có thực thi những điều đã cam kết hay không và thực thi ở mức nào, lúc đó mới có thể thấy những tác động thực.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, bên cạnh tác động từ chính sách của ông Trump còn có tác động từ phần còn lại của thế giới, đặc biệt là từ nhóm BRICS. BRICS hiện có 10 quốc gia thành viên (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, UAE, Ai Cập, Iran, Ethiopia và Saudi Arabia), chiếm khoảng 45% dân số thế giới với quy mô kinh tế chiếm hơn 37% GDP toàn cầu, gấp 2,5 lần quy mô của EU.
Nhóm này hiện đang theo đuổi chính sách phi đô la hóa. Khi ông Trump lên điều hành, nếu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn, và nếu Mỹ đẩy mạnh chiến tranh thương mại, Trung Quốc có thể phối hợp nhóm này để làm đối trọng với Mỹ và tiến tới phi đô la hóa. Khi có sự phi đô la hóa này, đồng USD có thể yếu đi.
- Vậy theo ông với tỷ giá USD/VNĐ trong nước cũng dậy sóng có là một vấn đề đáng lo cuối năm nay?
- Tỷ giá trong nước tăng mạnh không chỉ do đồng USD mạnh lên, mà còn do yếu tố mùa vụ. Thông thường tại Việt Nam, tỷ giá sẽ tăng vào cuối quý III đầu quý IV hàng năm.
Thứ nhất, đây là giai đoạn doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất kinh doanh, cũng như nhập hàng để bán mùa cuối năm. Theo đó, nhu cầu USD trên thị trường luôn tăng đột biến trong giai đoạn này.
Thứ hai, Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua USD để trả nợ nước ngoài. Vừa qua, Kho bạc đã mua khoảng 1 tỷ USD. Điều này cũng gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng.
Về vĩ mô, đà tăng của tỷ giá hiện nay vẫn có áp lực lên lạm phát, đặc biệt là nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, những tác động này cũng sẽ không đáng lo ngại trong bối cảnh hiện tại. Vì tỷ lệ lạm phát vẫn đang nằm trong mức cho phép.
Hơn nữa, giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ đồng biến. Khi tăng trưởng kinh tế cao thì lạm phát cũng sẽ cao tương ứng, nên điều đó có thể chấp nhận được. Vì vậy Việt Nam cố gắng kiềm chế mức tăng tỷ giá năm nay từ 4-4,5% là hợp lý.
- Có ý kiến cho rằng, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ có thể trở thành vấn đề, cụ thể là bị áp thuế cao và có thể rơi vào danh sách thao túng tiền tệ. Theo ông, cần làm gì ngay lúc này để có thể hóa giải các nguy cơ?
- Nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump đã đưa Việt Nam vào diện xem xét về thao túng tiền tệ. Đến khi ông Joe Biden nhậm chức, Việt Nam đã ra khỏi danh sách này. Sắp tới, khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, và sẽ xem xét lại những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỷ USD với Mỹ vào năm 2023. Vì vậy, nếu Việt Nam không có những động thái chủ động đối với ông Donald Trump và đối với phía Mỹ, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách này. Tôi nghĩ, sắp tới hai bên có sẽ có những đối thoại để giảm thặng dư thương mại. Chúng ta cần phải chủ động và thiện chí đối thoại sớm để giảm thặng dư thương mại xuống, không nên đợi đưa vào danh sách rồi mới chủ động thì quá muộn.
Về lâu dài, cần phải có những chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì hiện nay, 75% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ khối FDI. Nếu Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI sẽ có thêm nguồn ngoại tệ đổ vào trong nước. Đồng thời, khi các doanh nghiệp FDI tạo ra hàng hóa xuất khẩu mạnh hơn, cũng mang về nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.
Nhưng muốn vậy, cần phải có chính sách hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, đặc biệt là dòng vốn FDI dành cho lĩnh vực công nghệ là ưu tiên hàng đầu, trong đó có chip bán dẫn, công nghệ AI là hai lĩnh vực cần hết sức quan tâm. Đó là một mũi tên trúng nhiều đích.
- Xin cảm ơn ông.
Nếu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn, và nếu Mỹ đẩy mạnh chiến tranh thương mại, Trung Quốc có thể phối hợp nhóm BRICS để làm đối trọng với Mỹ và tiến tới phi đô la hóa. Khi có sự phi đô la hóa này, đồng USD có thể yếu đi.