1. Chứng khoán

'Chiếc áo chật' của thị trường chứng khoán

Từ sáng đến xám

Xuất phát cùng thời điểm 7/8/2000 khi bảng điện tử tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chính thức sáng đèn, bộ đôi cổ phiếu đầu tiên niêm yết ngày ấy là SAM (Công ty CP SAM Holdings) và REE (Công ty CP Cơ điện lạnh) đi cùng chặng đường thăng trầm của thị trường, đến nay, có 2 ngã rẽ ngược lối.

REE vẫn tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Còn SAM mở rộng kinh doanh đa ngành sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Thị trường vẫn phụ thuộc nhiều vào tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Ảnh: Minh Dũng

Ngày đầu niêm yết, SAM lên sàn với 12 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 120 tỷ đồng, còn REE niêm yết 15 triệu cổ phiếu, tương ứng mức 150 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của SAM đạt gần 3.800 tỷ đồng, còn REE lên 4.710 tỷ đồng.

Tuy tăng vốn thần tốc, nhưng nếu so về tổng tài sản, hai doanh nghiệp có sự cách biệt lớn. Tổng tài sản tính đến cuối quý II/2024 của SAM gần 6.750 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 20% REE (34.746 tỷ đồng). Về kết quả kinh doanh, REE bứt phá với lợi nhuận nghìn tỷ, còn SAM chưa thoát bức tranh ảm đạm.

Doanh nghiệp niêm yết tiên phong ngày ấy, bây giờ và hành trình hơn 24 năm qua mới là góc nhỏ trong bức tranh “khớp lệnh” muôn màu của thị trường. Ở gam sáng, nhờ vốn huy động từ chứng khoán, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển thành những tập đoàn kinh tế có quy mô lớn trong khu vực.

“Câu lạc bộ” tỷ USD trên HoSE có 39 doanh nghiệp, vốn hóa lớn nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) - 514 nghìn tỷ đồng, tương đương 20,7 tỷ USD. Các tập đoàn tư nhân lớn như FPT, Vinhomes, Hòa Phát, Vingroup… cũng nằm trong top 10 vốn hóa.

Thị trường chứng khoán không chỉ thúc đẩy kinh doanh mà còn lan tỏa tinh thần kinh doanh công bằng và minh bạch, hướng đến những tiêu chuẩn ngày càng cao cho doanh nghiệp niêm yết. Thế nhưng, cũng từ đây, gam xám của bức tranh thị trường lộ diện.

Hai năm qua, liên tục các vụ thao túng chứng khoán bị phanh phui, chiêu bài làm giá cổ phiếu bại lộ, là lúc nhà đầu tư không khỏi sửng sốt, ngỡ ngàng với việc các ông chủ doanh nghiệp tự tung tự tác, “một tay che cả bầu trời”. Ông chủ vướng vòng lao lý, hệ sinh thái doanh nghiệp ngắc ngoải, cổ phiếu lao dốc thảm, sau đó thậm chí rời sàn, hủy niêm yết.

Câu chuyện đã, đang diễn ra ở những cổ phiếu vang bóng một thời như FLC, Louis, Trí Việt, Apec. Toàn bộ cổ phiếu nhóm FLC biến mất trên HoSE.

24 năm phát triển, thị trường chứng khoán đạt vốn hóa 300 tỷ USD. Ảnh: Minh Dũng

Những đội nhóm từng một thời hô hào các cổ phiếu trên cũng đã “bay màu”. Tâm lý đội nhóm, phím hàng, “đánh chứng” theo tin đồn khiến không ít nhà đầu tư trả giá đắt. Chỉ riêng mã ROS (Công ty CP Xây dựng FLC Faros), hơn 25.800 nhà đầu tư được xác định là bị hại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 1.800 cổ phiếu được đăng ký niêm yết và giao dịch. Vốn hóa lên tới 70% của GDP, tương đương 300 tỷ USD.

Giải pháp đặc trị

Sau hơn 4 năm có hiệu lực thi hành, Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi. Sự phát triển ngày càng nhanh của thị trường, đi kèm những biến tướng, rủi ro khiến cơ quan quản lý phải bổ sung thêm quy định nhằm bảo vệ nhà đầu tư, tăng cường minh bạch. Theo đó, hành vi thao túng thị trường chứng khoán được đề xuất luật hóa.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam tin tưởng, việc bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại trên thị trường.

Thời gian qua, nhiều vụ thao túng thị trường chứng khoán bị phanh phui và xử lý, cần chế tài xử lý mạnh hơn nữa để tạo sức răn đe. Ông Minh cũng chỉ rõ, hành vi thao túng thường xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có độ rủi ro và tính đầu cơ cao.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM đề xuất, giải pháp đơn giản để chặn thao túng chứng khoán là bắt buộc lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan phải mở một tài khoản đặc biệt. Trong trường hợp muốn giao dịch, nhóm nhà đầu tư này phải có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoặc sở giao dịch chứng khoán.

Giới phân tích cũng đề xuất bổ sung quy định về tăng cường giám sát, trách nhiệm của đơn vị giám sát thị trường để theo dõi, phát hiện các giao dịch bất thường, chủ động tiếp cận điều tra, đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Việc bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường cần được hài hòa. Trong đó, dự thảo quy định tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, tiêu chí về tần suất giao dịch, 10 lần/ quý trong 4 quý gần nhất được cho là chưa phù hợp.

Ông Lê Xuân Huy, chuyên gia tài chính cá nhân lo ngại, nếu áp dụng quy định này, những nhà đầu tư nắm giữ trung và dài hạn, cổ đông trung thành của doanh nghiệp sẽ không còn là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhóm này lại là những nhà đầu tư nghiên cứu, nắm rất rõ về tình hình tài chính, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

“Tần suất giao dịch 10 lần/ quý có nghĩa là hơn 3 lần/ tháng. Trong 1 tháng, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không có quá nhiều sự thay đổi. Như vậy, quyết định mua bán phụ thuộc vào yếu tố thị trường nhiều hơn. Đây là hoạt động đầu cơ chuyên nghiệp chứ không phải là đầu tư chuyên nghiệp”, ông Huy chỉ rõ.

Về phía cơ quan quản lý, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường. Với độ lớn đạt được, bà Phương ví, chứng khoán Việt Nam “giống như người mặc chiếc áo đã chật”, cần bước tiến mới.

Thời gian tới, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Riêng về giải pháp nâng hạng thị trường, mới nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, gỡ nút thắt về thanh toán cho nhà đầu tư ngoại. Tiến trình nâng hạng tăng tốc với kỳ vọng về đích trong năm 2025, như quyết tâm của Chính phủ.

Việt Linh

Tin khác