Chỉ số US Dollar Index tăng vọt, Bitcoin vượt mốc 90.000 USD, vàng nối dài chuỗi giảm sâu
Biến động mạnh trên thị trường ngoại hối sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng
Chỉ một tuần sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ, nhiều biến động diễn ra trên thị trường ngoại hối cũng như giá vàng cùng các đồng tiền kỹ thuật số.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) tiếp tục vọt lên 106,5 điểm, mức cao nhất trong hơn một năm trở lại đây, sau khi báo cáo lạm phát được công bố, tương đồng với các kỳ vọng từng được đặt ra. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) ngày 13/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ, vượt cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 9. Các số liệu đều tương đồng với dự báo của Dow Jones trước đó. Không tính thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ, tương tự với dự báo trước đó.
Trước đó, đồng đôla đã có nhịp tăng chóng vánh khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ cùng quyết định giảm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp quyết định lãi suất tháng 11/2024.
Giới đầu tư đặt cược vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các chính sách có thể gây lạm phát khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Điều này cũng dẫn đến khả năng hạn chế cắt giảm lãi suất của Fed.
Trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 6/2024 với Bloomberg Businessweek, ông Trump cho biết ông muốn giảm thuế suất doanh nghiệp Mỹ xuống mức thấp nhất là 15%. Chi phí thuế thấp hơn đó có thể cải thiện xếp hạng tín nhiệm của các công ty yếu hơn. Các công ty Mỹ cũng có thể được hưởng lợi từ các chính sách bảo hộ, trong đó sẽ áp dụng mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu nếu ông Trump giành chiến thắng.
Đồng bạc xanh tăng giá trong khi đồng tiền nhiều quốc gia mất giá, đổi được ít đôla hơn. Một số đồng tiền như EUR, KRW… đã trượt về mức thấp nhất trong năm.
Đồng euro hiện chỉ còn đổi được 1,056 đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2023. Các nhà đầu tư lo ngại về mức thuế quan thương mại tiềm tàng mà Trump đề xuất, có thể gây tổn hại đến xuất khẩu của châu Âu cùng các chính sách có thể tác động đến nền kinh tế khu vực này. Đồng Euro cũng chịu áp lực do tình hình tại Đức, khi Đảng Xanh - đối tác liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ lời kêu gọi bỏ phiếu sớm tại quốc hội, có khả năng dẫn đến bầu cử đột xuất. Thông tin gần nhất cho thấy Thủ tướng Đức đã xác nhận về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với Chính phủ.
Đồng won Hàn Quốc cũng mất giá sâu khi tỷ giá USD/KRW leo lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cam kết theo dõi và phản ứng kịp thời nếu biến động thị trường gia tăng, trong khi Bộ trưởng Thương mại Cheong Inkyo nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp với Mỹ để giải quyết những bất ổn về thương mại dưới thời chính quyền Trump.
Đồng yên Nhật cũng suy yếu. Tỷ giá USD/JPY tăng lên 155,54 yên đổi 1 đô la Mỹ, cao nhất từ tháng 7/2024. Bản tóm tắt ý kiến từ cuộc họp chính sách tháng 10 của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy sự chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách về thời điểm tăng lãi suất trong tương lai. Tuy nhiên, BOJ vẫn duy trì dự báo có thể tăng lãi suất điều hành lên 1% vào nửa cuối năm tài chính 2025.
Giá đồng Bitcoin cũng xô đổ các kỷ lục giá cũ, vượt mốc 90.000 USD. Trong khi đó, trước sức ép tăng giá của USD, hàng loạt hàng hóa truyền thống nhanh chóng giảm giá trị, bao gồm các kim loại quý như vàng, bạc… Trong nửa đầu tháng 11, vàng đã “bốc hơi” hơn 200 USD/ounce, liên tục xuyên thủng qua các mốc 2.700 USD/ounce, 2.600 USD/ounce. Hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.567 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York cũng giảm còn 2.573 USD/ounce.
Sau một tuần, vàng giảm 5,15%; bạc giảm 5,41%, platium giảm 5,98%. Một số kim loại khác cũng giảm sâu tuần qua như đồng (-8%), thép HRC (2,97%)…
Tỷ giá vượt 25.500 VND/USD, giá vàng thu mua chỉ còn 80 triệu đồng/lượng
Áp lực trên thị trường quốc tế tác động mạnh đến giá vàng trong nước và thay đổi đáng kể các cặp tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Sáng ngày 14/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm áp dụng trong ngày ở mức 24.290 VND/USD, tăng 2 VND so với hôm qua đồng thời đánh dấu chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp. Với biên độ +/-5% theo quy định, mức trần của tỷ giá là 25.504 VND/USD. Đây cũng là tỷ giá bán ra phổ biến tại các ngân hàng thương mại. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND đang giao dịch ở mức 25.184 VND/USD (mua vào chuyển khoản) và 25.504 VND/USD (bán ra), cũng tăng thêm 2 VND/USD. Trong khi đó tỷ giá EUR/VND bán ra giảm mạnh, mỗi euro chỉ còn đổi được 27.530 đồng.
Bất chấp sức nóng của đồng đôla, trên thị trường tự do, giá USD khảo sát tại một số cửa hàng không chịu ảnh hưởng, thậm chí quay đầu điều chỉnh nhẹ. Một số cửa hàng đang thu mua USD với giá 25.540 đồng còn bán ra tại 25.650 đồng.
Tỷ giá trong nước điều chỉnh nhẹ trên nền cao sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Đối với thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm đang giao dịch ở mức 24.242 VND/USD, giảm 13 đồng so với tuần trước. Tỷ giá liên ngân hiện đang giao dịch ở25.300 VND/USD, giảm 76 đồng so với tuần trước.
Theo chuyên gia từ Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ giá trong nước đã cho thấy xu hướng hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp qua việc phát hành tín phiếu trên kênh OMO với mục đích hút thanh khoản dư thừa trong hệ thống và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND.
Dù vậy, cũng theo các chuyên gia, biến động của cuộc bầu cử có thể tiếp tục nhiễu động đến tỷ giá trong ngắn hạn. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán cho thấy xu hướng bán ròng trở lại ở một số thị trường khu vực Đông Nam Á trước ảnh hưởng từ sự mạnh lên của đồng Dollar làm suy yếu đồng tiền nhiều nước trong khu vực này.
Giá vàng miếng SJC ngày 14/11 tiếp tục nối dài chuỗi giảm sâu. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng được niêm yết ở mức 80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Không chỉ chịu ảnh hưởng từ đà rơi sâu của giá vàng, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng đứng trước yêu cầu cần nhanh chóng thay đổi. Quốc hội đang yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong năm 2025 để khắc phục những bất cập và khuyến khích người dân bán vàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tùng Linh