1. Tài chính

Chỉ có các tổ chức tín dụng mới được cấp phép kinh doanh ngoại hối

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 11/11, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đoàn tỉnh Đắk Lắk) đề nghị làm rõ biện pháp quản lý, xử lý hoạt động kinh doanh ngoại hối trái phép.

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cho biết, với thực tế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là việc giao dịch được thực hiện qua online, qua không gian mạng đã phát sinh nhiều hiện tượng lừa đảo, giả mạo của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng nhưng không được cấp phép, hoạt động trái pháp luật.

Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ thực trạng quản lý về kinh doanh ngoại hối hiện nay và biện pháp để có thể quản lý, xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối không được cấp phép hoạt động trái phép ở nước ta.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay?

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đoàn tỉnh Đắk Lắk) chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề cập đến lãi suất tại các nước lớn có xu hướng giảm, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lực lên tỷ giá của tiền Việt Nam. Qua đó gây áp lực lên giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam và làm tăng giá thành.

Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá? Đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng?

Trả lời chất vấn, về vấn đề lừa đảo trên không gian mạng đối với sàn forex, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện nay thì chỉ có các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối, đặc biệt kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế.

Khi doanh nghiệp và người dân có những giao dịch cần ngoại tệ thì sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng. Còn các tổ chức và cá nhân khác thì không được kinh doanh ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp phép cho một sàn giao dịch nào về vấn đề này. Nếu người dân giao dịch tại các sàn này thì sẽ có hệ lụy là bị lừa đảo. Do đó, các cơ quan quản lý cũng cần phối hợp để kiểm soát, tăng cường phát hiện các sàn không được cấp phép để có biện pháp xử lý.

Về phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ là phải góp phần ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện là chỉ tiêu lạm pháp. Căn cứ xác định mục tiêu và điều hành chính sách tiền tệ dựa trên mức độ lạm phát.

Còn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng là một định hướng về tăng trưởng tín dụng mà tùy theo tình hình thực tế Ngân hàng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Về vấn đề huy động lãi suất 0%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chúng ta có chủ trương hạn chế đô la hóa, vì khi huy động ngoại tệ của người dân, các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro tỷ giá. Chính vì đó, chúng ta phải làm cho doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thì chuyển hóa thành VND để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách rất đồng bộ từ năm 2016 đến nay.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đồng đô la Mỹ cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước. Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực.

Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam. Việc điều hành tỷ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%.

Trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách.

Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, vì vậy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định...

Phương Thảo

Tin khác