Chật vật chống chọi ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới giữa thời kỳ 'bão giá', nhiều người đã phải rời đi
Nhiều người nghĩ rằng ở Singapore, Paris hay New York mới là những nơi đắt đỏ bậc nhất thế giới nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Vào năm 2021, Tel Aviv (Israel) đã được gọi tên là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo xếp hạng toàn cầu do tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit thực hiện.
Và năm nay mọi thứ còn căng thẳng hơn nhiều khi Tel Aviv cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng về lạm phát.
Chống chọi với chi phí sinh hoạt tăng vọt
Daniel, đến từ nước Úc, chỉ mới chuyển đến Tel Aviv từ 2 năm trước. Nhưng giờ đây, anh đang cảm thấy vô cùng chán ngán với cuộc sống đô thị ngột ngạt cùng giá cả tăng phi mã mỗi ngày. Daniel đang chuẩn bị rời đi tới nơi thoải mái hơn.
Người đàn ông 36 tuổi này ban đầu đến thành phố Tel Aviv vì sự nhộn nhịp và phát triển của nó nhưng giờ đây anh cùng vị hôn thê quyết định tìm kiếm một nơi có giá cả phải chăng hơn thay vì tiếp tục bỏ ra 2.900 USD (72 triệu đồng) một tháng thuê căn hộ 75m2.
"Chi phí sinh hoạt ở đây dường như đang dồn tôi vào chân tường. Tôi thà vay tiền mua nhà còn hơn là chi trả quá nhiều tiền chỉ để khoe với mọi người mình đang sống ở Tel Aviv. Mọi thứ, thậm chí cả cà phê, những thứ mà ta chạm vào, đều quá đắt so với giá trị thực", doanh nhân 36 tuổi nói.
Daniel và vị hôn thê không hề đơn độc, có rất nhiều người đang cảm thấy thất vọng trước chi phí sinh hoạt quá cao ở thành phố này. Mặc dù lạm phát ở Tel Aviv ở mức 5,2%, thấp hơn so với một số nước châu Âu hay Mỹ nhưng trên thực tế, từ trước đó, giá nhiều loại hàng hóa ở đây vốn đã cao từ trước.
Hiện tại, tình trạng lạm phát kéo dài càng đẩy giá tăng lên nhanh chóng. Tel Aviv được biết đến là thành phố công nghệ sôi động. Vào năm ngoái, nhiều tập đoàn công nghệ đã quyết định mở văn phòng tại đây. Những tòa nhà chọc trời lộng lẫy đã mọc lên như nấm. Điều này làm cho các nhà hàng và cửa hiệu đắt tiền được mở ra để phục vụ cho các nhân viên được trả lương cao, nhóm người này chiếm khoảng 1/10 lực lượng lao động nơi đây.
Giá nhà tăng cùng các mặt hàng thiết yếu cũng tăng cao đã phơi bày sự bất bình đẳng giữa những người lao động cao cấp và bình dân, giữa những người giàu có với những người kém khả giá hơn.
"Sống ở đây luôn đắt đỏ, nhưng trong một năm qua, mọi thứ đắt tới mức không thể tin nổi. Tôi độc thân, sống một mình, đôi khi đi siêu thị không có ý nghĩa gì bởi đắt ngang ngửa đồ ăn đặt ngoài hàng", Emma, một nhà tư vấn lối sống, nói.
Người khá giả cũng chật vật không kém
Ngay cả những người có công việc trả lương khá cao cũng không tránh khỏi áp lực. Julia, 35 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, chuyển tới Tel Aviv sống từ 7 năm trước. Cô có nhiều bạn bè cùng tuổi và đều có công việc ổn định.
"Nhưng nhiều bạn của tôi không tiết kiệm được mấy, trừ những người may mắn và biết xoay xở để có nhiều lựa chọn trong công ty", cô nói.
Các nhà kinh tế học cho hay chi phí sinh hoạt cao ở Tel Aviv xuất phát từ một số yếu tố. Lĩnh vực bán lẻ và nhập khẩu bị chi phối bởi một số ít doanh nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc hạn chế nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất địa phương cũng làm tăng giá thành. Giá bất động sản tăng cao kéo theo giá nhà thuê cũng tăng tương tự.
Các chuyên gia cho hay Tel Aviv không phải là một lựa chọn tốt về địa điểm để nghỉ dưỡng nếu như khách du lịch có mức ngân sách khiêm tốn. Theo numbeo.com, chi phí sinh hoạt trung bình cho một gia đình bốn người ở Tel Aviv là khoảng 4.325 USD (107 triệu đồng) mỗi tháng (không bao gồm tiền thuê nhà). Trong khi đó, chi phí ước tính trung bình hàng tháng cho một người là 1.218 USD (30 triệu đồng) mỗi tháng (không bao gồm tiền thuê nhà).
Với giá cả ngày càng đắt đỏ, nhiều người ở Tel Aviv cũng đang tìm một con đường khác dành cho bản thân và gia đình để họ có một cuộc sống thoải mái hơn.
Nguồn: Financial Times, The Travel
Diệp Lục