1. Kinh doanh

Masan nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc

Masan nắm giữ 50% cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Ngày 28/10, Tập đoàn Masan (MSN), công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của quý 3 năm 2022 và 9 tháng năm 2022. Theo đó, doanh thu thuần của Masan trong 9 tháng qua đạt 55.546 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước là 52.978 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông không kiểm soát ở mảng kinh doanh chính đạt 2.105 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022 trên cơ sở so sánh tương đương, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng chỉ ra các hoạt động kinh doanh nổi bật tại các công ty con của Masan.

Cụ thể, Công ty The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hợp nhất WinCommerce (WCM) và MCH của Masan đã đạt các kết quả doanh thu và lợi nhuận khả quan dù bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận lợi.

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng WIN. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Trong quý 3 năm 2022, doanh thu của The CrownX đã tăng trưởng 16,8% và lợi nhuận thuần tăng trưởng 90,2% so với quý trước. Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu 9 tháng qua của TCX tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thu Quý 3 tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Masan đã ra mắt mô hình bán lẻ “Point of Life” với việc khai trương 30 cửa hàng WIN. Các cửa hàng WIN có mức doanh thu/m2 cao hơn 20% so với mô hình tạp hóa thuần túy. Do đó, Masan có kế hoạch nhân rộng quy mô lên từ 80 – 120 cửa hàng WIN vào cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, WCM đã mở lần lượt 176 và 477 cửa hàng WinMart+. Tổng cộng đến nay đã có 3.049 cửa hàng WinMart+ đi vào hoạt động với hiệu suất của cửa hàng mới luôn vượt trội so với các cửa hàng cũ.

Tính đến cuối Quý 3, WinCommerce có 128 siêu thị WinMart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu 9 tháng qua của WCM tăng 8,1% và riêng trong quý 3 tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, WinMart+ cũng ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 5.209 tỷ đồng, tính chung 9 tháng qua đạt 14.730 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,4% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hệ thống siêu thị WinMart cũng đạt doanh thu 7.046 tỷ đồng trong 9 tháng qua và riêng trong quý 3 đạt 2.337 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,0% và 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ việc mở rộng quy mô đáng kể, nên WCM đã cải thiện lợi nhuận với biên EBITDA là 3,3% trong quý 3 so với 2,2% của quý 2 nhờ các cửa hàng cải thiện hiệu quả hoạt động và lượng khách đến cửa hàng gia tăng. Qua đó, trong quý 3, EBITDA của WCM tăng 66,2% so với quý 2 lên 251 tỷ đồng.

Về mặt số lượng điểm bán, WinMart+ đã tăng thị phần từ 40% vào cuối năm 2021 lên 48% vào cuối Quý 3. Tính đến cuối quý 3, WinCommerce có 128 siêu thị WinMart đi vào hoạt động.

Trong khi đó, MCH khôi phục đà tăng doanh số vào quý 3 và duy trì biên lợi nhuận. Cụ thể, MCH đạt 19.695 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 4.480 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ.

Mô hình kiosk Phúc Long. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Trong quý 3 năm, nhóm ngành hàng chủ lực như gia vị và thực phẩm tiện lợi ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt tăng 34,0% và 46,3% so với quý 2. Đối với mảng thịt chế biến và cà phê đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số ở mức cao.

Phúc Long Heritage (PLH) cũng có kết quả kinh doanh vượt trội, với chuỗi kiosk Phúc Long đang được tối ưu hóa. Hiện các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN đầu tiên có doanh thu/ngày tăng 116% so với các kiosk tại các cửa hàng WinMart+.

Cụ thể, trong 9 tháng qua, PLH đạt doanh thu 1.143 tỷ đồng và 199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Ước tính, nhờ tối ưu hóa chuỗi kiosk, Phúc Long dự kiến tăng thêm 27 tỷ đồng lợi nhuận.

Đặc biệt, Masan MEATLife đã có quý đầu tiên trong năm 2022 có lãi EBITDA, thể hiện đà tăng trưởng mạnh mẽ so với quý 2, thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống, gia tăng doanh số và cho thấy các kết quả khả quan.

Cụ thể, trên cơ sở so sánh tương đương loại trừ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào năm 2021, doanh thu quý 3 của MML tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và 27,9% so với quý 2 nhờ doanh thu từ mảng trang trại tăng 53,8%, mảng thịt có thương hiệu tăng 35,2%, và mảng thịt gà tăng 15,8%.

Nhà máy vật liệu công nghiệp công nghệ cao của Masan High-Tech Materials. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Cũng trong 9 tháng qua, doanh thu thuần của Masan High-Tech Materials đạt 11.651 tỷ đồng và EBITDA đạt 2.548 tỷ đồng, với mức tăng trưởng lần lượt là 21,3% và 36,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá hàng hóa tăng và nhu cầu vật liệu công nghiệp gia tăng. MHT cũng ghi nhận 262 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát.

Kể từ khi ký thỏa thuận đầu tư vào Nyobolt Limited (Nyobolt), công ty chuyên cung cấp các giải pháp pin Li-ion sạc nhanh, Ban điều hành đã không ngừng hợp tác với Nyobolt để phát triển danh mục sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm pin. Đây là một phần trong chiến lược đẩy mạnh chế biến sâu và ứng dụng vonfram có giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Tới thời điểm này, Masan đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc và chúng tôi không ngừng đổi mới để phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm vượt trội. Để thúc đẩy chiến lược Point of Life, Masan đã khai trương 30 cửa hàng WIN trong quý 3. Với các kết quả thành công ban đầu, chúng tôi tin rằng WIN chính là mô hình bán lẻ ưu việt và sẵn sàng để mở rộng quy mô.

Trong thời gian tới, Masan sẽ ra mắt mô hình cửa hàng mới phục vụ người tiêu dùng tại khu vực nông thôn và công bố chương trình khách hàng thân thiết với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cho 100 triệu người tiêu dùng. Với lợi thế quy mô và không ngừng đổi mới, tôi tin rằng đây là chỉ bước khởi đầu cho một chặng đường tăng trưởng mới của Masan.”

Dựa trên kết quả hoạt động trong 9 tháng qua và đà tăng hiện tại, năm 2022 Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 - 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng./.

Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tin khác