Cảng Xanh VIP (VGR) vượt 26% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng
CTCP Cảng Xanh VIP (VGR) mới thông báo BCTC quý III với doanh thu thuần đạt 263 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng tăng hơn 10%, lên 151,3 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng gần 13%, đạt 111,7 tỷ đồng.
Kỳ này doanh thu tài chính của VGR giảm 39%, xuống chỉ còn xấp xỉ 4 tỷ đồng do lãi tiền gửi và cho vay giảm. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh từ 78 triệu đồng, lên 543 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng kỳ này được tiết giảm gần 11%, xuống còn 11,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 27%, lên 11 tỷ đồng.
Kết quả, Cảng Xanh VIP lãi sau thuế hơn 83 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 11% so với cùng kỳ.
VGR cho biết, trong quý III, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 4,5% so với cùng kỳ đồng thời áp dụng biểu cước nội mới, nhiều máy móc thiết bị đã hết khấu hao dẫn đến giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, VGR đạt 790 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23,09% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 270,3 tỷ đồng, tăng 47%.
Năm 2024, VGR thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 774 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 22% so với thực hiện năm 2023. Với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 302,5 tỷ đồng, Công ty đã vượt 26% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản Công ty đạt 1.106,7 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với đầu năm. Trong đó, VGR nắm giữ 243,4 tỷ đồng là 243,4 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 37% so với đầu năm. Ngược lại đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 42%, xuống 246,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VGR còn 93,9 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 2% chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Mặt khác, VGR còn 178 tỷ đồng nợ phải trả, gần gấp đôi đầu năm, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Nguyên nhân chính do Công ty phát sinh dự phòng phải trả ngắn hạn là chi phí nạo vét luồng 56 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, cổ phiếu VGR tăng 3,99%, đạt 59.900 đồng/CP.
Kiều Trang