1. Tài chính

Cấm xuất cảnh người nợ thuế: có nên cào bằng?

Nợ thuế một đồng cũng cấm xuất cảnh

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Sau một thời gian áp dụng, có thể thấy biện pháp tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế đã mang lại hiệu quả tích tực trong công tác quản lý nợ thuế.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, trong 9 tháng năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề xuất bổ sung quy định mức nợ thuế bị hoãn xuất cảnh.

Mặc dù biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai cũng nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó, quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, nhưng thực tế có trường hợp, người đại diện pháp luật là người lao động làm thuê, không phải chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của DN.

Lập luận vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Luật DN hiện hành, người đại điện pháp luật của DN là cá nhân đại diện và thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch; đại điện cho DN thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định. Việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật, người chủ sở hữu, hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.

Ngoài ra, quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh người nợ thuế, tức là nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải hoãn xuất cảnh.

Liên quan đến bất cập này, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thu Trà cho biết: hiện nay, theo quy định của pháp luật, không quy định ngưỡng nợ thuế bao nhiêu thì mới tạm hoãn xuất cảnh. Và nội dung tạm hoãn xuất cảnh thường là người nộp thuế đang trong trường hợp cưỡng chế, phải thi hành quyết định hành chính về thuế. Như vậy, những người nộp thuế mà chây ỳ lâu, không nộp tiền thuế nợ thì có thể được xem xét để thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Điều này khiến cho nhiều DN và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không. Một số trường hợp nợ thuế nhỏ lẻ, không đáng kể nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp này, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và cuộc sống cá nhân.

Ngoài ra, quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho DN và người nộp thuế gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây là băn khoăn của không ít DN và người nộp thuế. Vì vậy, nhiều DN mong muốn được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế.

Cân nhắc giới hạn phạm vi áp dụng cấm xuất cảnh cá nhân nợ thuế

Ngày 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý Thuế. Tại dự thảo Luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất bổ sung cá nhân, chủ hộ kinh doanh, cá nhân đại diện theo pháp luật của DN, hợp tác xã vào diện bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa đưa ra ngưỡng nợ thuế cụ thể với các đối tượng này khi bị cấm xuất cảnh, ngưỡng chịu phạt đang bị cào bằng.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay: có nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm xuất cảnh của người đại diện. Chưa kể, số lượng các trường hợp bị cấm xuất cảnh tăng đáng kể thời gian gần đây, khi nhà chức trách đưa ra các biện pháp siết chặt quản lý. Theo ông Lê Quang Mạnh, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của biện pháp cưỡng chế thuế, để đảm bảo hiệu quả thực thi, tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết, hoặc xem xét chưa sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay. Trong trường hợp cần sửa đổi, đề nghị bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để việc tạm hoãn xuất xảnh được áp dụng hợp lý hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đề xuất, cần phải xác định mức ngưỡng nợ thuế nào bị áp dụng cấm xuất cảnh nào là hợp lý. Các ngưỡng mà thiết lập phải dựa trên tình hình kinh tế, quy mô DN, tình hình nợ thuế để tránh quá thấp hoặc quá cao. Qua đó, đảm bảo tính hợp pháp và quyền con người, tránh vi phạm quyền lợi chính đáng của DN và cá nhân.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần thực hiện các thống kê nhằm phân loại trung bình nợ, đặc thù nợ của DN. Ngưỡng này không nên quá nhỏ vì cần đủ tính răn đe, không khiến chi phí hành chính quản lý phát sinh lớn và không tạo ra số lực cho các DN.

Phương Nga

Tin khác