1. Tài chính

Cách làm hay của Khánh Hòa

Bên cạnh những giải pháp “thường thấy” như tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, về tác hại “tín dụng đen” để người dân hiểu rõ; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi hay vận động người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi cho vay nặng lãi; tỉnh Khánh Hòa có một giải pháp mới rất đáng chú ý. Đó là tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, hộ gia đình, đặc biệt ở địa bàn nông thôn. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người dân có "sổ đỏ" hoàn thiện hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn ngân hàng, tránh không vay "tín dụng đen".

Thực trạng “tín dụng đen” hoành hành từ thành thị đến nông thôn, tới từng ngóc ngách, bản làng trên cả nước thời gian qua gây bất an xã hội, nhiều người trong vòng vây nợ lãi cao trở thành những “chị Dậu mới”. Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa với đoàn viên, người lao động vào tháng 5 vừa qua, nhiều công nhân, người lao động cũng bày tỏ sự lo lắng trước sự bủa vây của “tín dụng đen”. Các đối tượng cho vay chuyển từ đe dọa người vay vốn sang đe dọa doanh nghiệp và cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.

Bên cạnh số ít người dân “mơ hồ” về “tín dụng đen” thì có nhiều người nhận biết được "thế nào là tín dụng đen" và tác động tiêu cực nếu vay lãi suất cao. Làn sóng rút bảo hiểm một lần thời gian qua cho thấy không ít người buộc phải chọn “gặt lúa non” như vậy vì sẽ an toàn hơn so với việc phải “vay nóng” hoặc dính dáng vào tín dụng đen. Tuy nhiên, khi gặp rủi ro trong cuộc sống hoặc cần tiền, nhiều người vẫn phải tìm đến "tín dụng đen" vì nhiều lý do, trong đó có việc khó vay vốn ngân hàng vì chưa có “sổ đỏ” để thế chấp. Trong khi đó, “tín dụng đen” lại luôn “rộng cửa” chào đón người có nhu cầu vay vốn, với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, người vay muốn vay bao nhiêu cũng được đáp ứng đầy đủ.

Trước thực tế này, chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất là một cách làm hay để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Giải pháp này nên được nhân rộng ở các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, để “tín dụng đen” không có đất hoành hành thì việc người dân có “sổ đỏ” mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là thủ tục, quy trình vay vốn ở ngân hàng trong trường hợp người dân thế chấp “sổ đỏ” cần thông thoáng và nhanh chóng hơn. Bởi trên thực tế, có không ít người đã mất nhà, mất đất vì thế chấp sổ đỏ cho tín dụng đen, do vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy thời gian lâu và nhiều thủ tục...

Cẩm Phô

Tin khác