1. Chứng khoán

Các tỷ phú USD Việt Nam đang nắm giữ bao nhiêu tiền?

Tuy nhiên, so với thời điểm Forbes công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2024 vào hồi đầu tháng 4 vừa qua, đến nay khối tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam đã ghi nhận những biến động đáng kể.

Hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi sở hữu khối tài sản trị giá 4,2 tỷ USD, tuy nhiên so với đầu năm, khối tài sản của tỷ phú 56 tuổi đã ghi nhận giảm 200 triệu USD. Với khối tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đứng vị trí 834 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD của Forbes.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Mới đây, CTCP Vinhomes (VHM) - công ty con và là doanh nghiệp được ví như “gà đẻ trứng vàng” trong hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đăng ký mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM trong khoảng thời gian dự kiến từ ngày 23/10 đến 22/11. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu ngày 8/10 của Vinhomes. Nguồn vốn mua lại được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Vinhomes.

Với giá trị hiện tại của VHM ở mức 43.600đ/cổ phiếu, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam có thể phải chi hơn 16.000 tỷ đồng để hoàn tất đợt mua lại cổ phiếu nói trên. Đây cũng là thương vụ giao dịch mua lại cổ phiếu có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu giao dịch được hoàn tất, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm 3.700 tỷ đồng xuống còn 39.843 tỷ đồng.

Đứng thứ 2 trong danh sách các tỷ phú USD Việt Nam trên bảng xếp hạng của Forbes là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch của CTCP Hàng không VIETJET (VJC); Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB),... với khối tài sản trị giá 3 tỷ USD. So với đầu năm, khối tài sản của nữ đại gia 53 tuổi ghi nhận tăng thêm 200 triệu USD. Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách của Forbes nhiều năm qua. Với khối tài sản đang nắm trong tay, Chủ tịch của VJC đang đứng vị trí thứ 1.157 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới. Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong 3 doanh nhân Việt Nam góp mặt trong danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với khối tài sản trị giá 2,5 tỷ USD, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát (HPG), Trần Đình Long đứng thứ 3 trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Forbes. Doanh nhân 63 tuổi, đứng vị trí 1.371 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới. So với đầu năm, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận mức giảm 100 triệu USD bởi đà giảm của cổ phiếu HPG.

Đại diện thứ 4 của Việt Nam trong danh sách các tỷ phú USD thế giới là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB). Doanh nhân 53 tuổi đang nắm giữ khối tài sản trị giá 2 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với đầu năm. Chủ tịch Hồ Hùng Anh đứng ở vị trí 1.730 trên bảng tỷ phú USD thế giới.

2 gương mặt còn lại đại diện cho Việt Nam trong danh sách tỷ phú USD thế giới của Forbes là tỷ phú Trần Bá Dương & gia đình và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang với khối tài sản ròng trị giá 1,2 tỷ USD (không đổi so với đầu năm). Theo Forbes, tỷ phú Trần Bá Dương & gia đình đứng vị trí thứ 2.474 trên bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới. Trong khi đó, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đứng vị trí thứ 2.483 thế giới.

Tính đến ngày 13/10, 6 tỷ phú USD Việt Nam đang sở hữu khối tài sản có giá trị 14,1 tỷ USD, tương đương tăng 200 triệu USD so thời điểm Forbes công bố danh sách tỷ phú USD năm 2024 hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Hải Long

Tin khác