Các mô hình kinh doanh F&B có tiềm năng phát triển nhất hiện nay
F&B là cụm từ được viết tắt của Food and Beverage, đây là mô hình mà các doanh nghiệp, cửa hàng cung cấp các dịch vụ liên quan đến ẩm thực cho khách hàng. Từ đó, ngành F&B có thể được hiểu là loại hình dịch vụ kinh doanh, buôn bán ẩm thực, nhà hàng và ăn uống.
Ngành F&B bao gồm rất nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, từ hệ thống nhà hàng, quán ăn đường phố, điểm bán đồ ăn lưu động, chuỗi đồ uống, cafe, trà sữa, các dịch vụ suất ăn công nghiệp, dịch vụ tiệc cưới hỏi, tiệc tư gia,... Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống thường được chia thành 3 nhóm chính.
Đầu tiên là dịch vụ cung cấp thực phẩm tại nhà hàng. Đây là mô hình phổ biến nhất, nơi khách hàng ghé thăm, dùng bữa và trải nghiệm dịch vụ. Các cơ sở nhà hàng được giữ đầy đủ tiện nghi và hoàn thiện tốt để thu hút khách hàng và khiến họ cảm thấy hài lòng.
Tiếp theo là dịch vụ cung cấp thực phẩm cho những sự kiện theo nhu cầu bao gồm: nấu ăn, chuẩn bị và cung cấp dịch vụ một phần tại nơi khách hàng yêu cầu. Ngoài ra, nhiều cơ sở cũng tập trung dịch vụ cung cấp thức ăn, đồ uống cho bệnh viện, trường học, tiệc cưới, các dịch vụ setup tiệc tại chỗ…
Thứ ba là dịch vụ cung cấp thực phẩm tận nơi. Ban đầu đây chỉ là một trong những dịch vụ gia tăng của nhà hàng, nhằm phục vụ cho một số đối tượng nhất định và thường chỉ áp dụng cho những quán ăn nhanh, pizza,... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và các ứng dụng giao đồ ăn, nó đã nhanh chóng trở thành một lĩnh vực kinh doanh F&B phổ biến nhờ giảm thiểu được chi phí mặt bằng, nhân viên,... từ đó có thể gia tăng được biên độ lợi nhuận.
Ngày nay, nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng không còn dừng lại ở việc “ăn no” mà đã trở thành trải nghiệm, thưởng thức và khám phá. Hiểu được tâm lý đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư một mô hình kinh doanh ẩm thực và đồ uống độc đáo, mới lạ hơn. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới có khả năng thích nghi với tình hình mới hậu đại dịch lại càng được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao.
Thứ nhất là mô hình kinh doanh đồ ăn/đồ uống take-away (khách hàng mua mang đi). Nguyên nhân thúc đẩy mô hình này phát triển là vì cuộc sống bận rộn, hối hả thúc ép nhu cầu ăn uống mang đi để tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, đại dịch vừa qua cũng đã tạo cho người dùng thói quen mua đồ ăn, đồ uống mang đi để vừa giữ an toàn, vừa chủ động.
Theo xu hướng đó, một số thương hiệu phục vụ tại chỗ đã mở thêm điểm bán nhỏ chỉ phục vụ take-away hoặc thương hiệu chỉ bán online đã mở thêm cửa hàng để khách hàng có thể đến mua mang đi. Để tăng tốc độ phục vụ, nhiều cửa hàng còn đầu tư sử dụng phần mềm quản lý bán hàng để hỗ trợ ghi nhận order và thực hiện thanh toán với nhiều phương thức nhanh chóng.
Thứ hai, mô hình kinh doanh tự phục vụ đang là xu hướng nở rộ hiện nay. Trong năm 2022, nhiều nhà hàng, quán cafe cũng đi theo xu hướng thay đổi quy trình hoạt động từ “table service” (phục vụ tại bàn) sang “self service” (tự phục vụ).
Hình thức tự phục vụ mang lại lợi ích cho cả khách hàng và chủ kinh doanh. Về phía khách hàng, họ được trải nghiệm cảm giác thú vị, mới lạ khác hoàn toàn với kiểu phục vụ truyền thống là không phải chờ đợi nhân viên mang món ăn, đồ uống tới mà có thể tự do đi lại và lấy đồ. Bên cạnh đó, các công ty có thể tiết kiệm chi phí nhân sự do nhờ mô hình này.
Thứ ba, mô hình hai chiều giữa phân phối thực phẩm và dịch vụ F&B ngày càng phát triển. Ở chiều thứ nhất, các dịch vụ F&B sẽ tích hợp thêm mô hình sản xuất và phân phối thực phẩm như một giải pháp an toàn và định hướng kinh doanh lâu dài.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm sẽ chủ động tích hợp mô hình dịch vụ F&B để tự tạo đầu ra cho mình. Đặc biệt, doanh nghiệp ở mô hình này còn có thể tập trung vào phát triển các chuỗi điểm bán sở hữu hoặc nhượng quyền.
Tiếp theo, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp trong ngành F&B đang dần mở rộng sang các tỉnh nhỏ lẻ. Đó cũng là lý do mà chi nhánh của các thương hiệu lớn đang mọc lên nhiều hơn ở các vùng tỉnh, tạo nên xu hướng phát triển mới.
Lợi thế của mô hình này chính là chi phí thuê mặt bằng, nhân lực sẽ rẻ hơn, giúp thu lợi nhuận nhanh. Hơn nữa, những thương hiệu có tên tuổi ở các thành phố lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh, được người tiêu dùng chào đón và ưu tiên lựa chọn hơn.
Cuối cùng là mô hình All-in-shop trở nên phổ biến. Mô hình này được hiểu là nhiều tiện ích khác nhau được quy tụ trong một khu nhất định. Những tiện ích này thường sẽ có liên quan đến nhau, đáp ứng hầu hết những yêu cầu cấp thiết để kích thích khách hàng hành động nhiều hơn. Ví dụ, một chuỗi tiện ích có thể bao gồm: mặt hàng tiêu dùng, quầy thực phẩm, quầy dược phẩm, thương hiệu đồ uống và dịch vụ ngân hàng tích hợp...
Đối tượng khách hàng mà mô hình này nhắm đến thường là dân công sở, sinh viên và giới trẻ, những khách hàng ưu thích xu hướng mua sắm hiện đại. Các doanh nghiệp F&B trong mô hình này đóng vai trò như một mắt xích quan trọng. Cửa hàng sẽ đáp ứng nhu cầu ăn uống lớn và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn.