Các mảng kinh doanh cốt lõi của Giao thông Đèo Cả (HHV) đối mặt thách thức
Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV - sàn HoSE) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý 3/2024 với doanh thu ước tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 773 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu thu phí giao thông đường bộ (BOT) tăng 20%, giúp bù đắp sự sụt giảm 8% của doanh thu xây dựng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ tăng 4%, đạt 122 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Giao thông Đèo Cả đạt 2.277 tỷ đồng và lãi ròng đạt 361 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 17% so với cùng kỳ năm trước; qua đó, hoàn thành 90% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tuy nhiên, theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán VNDirect, triển vọng kinh doanh của Giao thông Đèo Cả trong thời gian tới đang đối mặt với một số khó khăn trong cả mảng xây dựng lẫn mảng BOT.
Cụ thể, đối với mảng xây dựng, lượng backlog của Giao thông Đèo Cả hiện vẫn lớn nhưng đã giảm so với mức đỉnh cuối năm 2023. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2024, ước tính giá trị backlog của công ty là khoảng 2.900 tỷ đồng, giảm so với mức 3.600 tỷ đồng được ghi nhận vào cuối năm 2023 do vẫn chưa thể bổ sung dự án Hữu Nghị - Chi Lăng hoặc Tân Phú - Bảo Lộc. Đóng góp lớn nhất vẫn đến từ các tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Mặc dù doanh thu xây dựng nửa đầu năm nay của Giao thông Đèo Cả đã bằng doanh thu cả năm 2021-2022, nhưng biên lợi nhuận gộp lại giảm mạnh so với năm 2021. Chứng khoán VNDirect dự báo biên lợi nhuận gộp cả năm 2024 của Giao thông Đèo Cả chỉ ở mức khoảng 4 - 5% do đóng góp doanh thu chủ yếu đến từ các dự án BT như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và Đường Liên Chiểu (Đà Nẵng). Các dự án BT vốn thường có biên lợi nhuận gộp thấp hơn các dự án PPP.
Biên lợi nhuận gộp của Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi dự án PPP Đồng Đăng - Trà Lĩnh bắt đầu ghi nhận doanh thu.
Đối với mảng BOT, các vấn đề về dòng tiền tại loạt dự án của Giao thông Đèo Cả vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện công ty này đang quản lý, vận hành 15 trạm thuộc 4 dự án BOT, gồm: Hầm đường bộ Đèo Cả; Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Hầm Phước Tường-Phú Gia; và Dự án mở rộng Quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó, đối với dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng sẽ nhận được 1.180 tỷ đồng dưới dạng vốn góp của Nhà nước như đã cam kết trong hợp đồng ban đầu còn thiếu vào quý 4/2024 thay vì trong năm 2025 - 2027.
Tuy nhiên, thời gian thanh toán cho khoản 2.280 tỷ đồng để thay thế doanh thu thu phí của trạm La Sơn - Túy Loan vẫn chưa có. Trước đó, tuyến La Sơn - Túy Loan từng được đề xuất cho phép Giao thông Đèo Cả đặt trạm thu phí BOT để hoàn vốn cho dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.
Đối với dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án này cũng không đạt được mục tiêu ROE cam kết trong phương án tài chính ban đầu. Một giải pháp từng được bàn bạc là Ngân hàng VietinBank sẽ hạ lãi suất cho vay, nhà đầu tư là Giao thông Đèo Cả sẽ phải chấp nhận mức ROE cam kết ở mức thấp hơn, đạt 11% so với mức 11,5% của phương án tài chính ban đầu.
Đồng thời, Chính phủ sẽ giải ngân khoảng 4.500 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho dự án. Tuy nhiên, kết luận cụ thể về vấn đề này vẫn chưa được đưa ra, theo Chứng khoán VNDirect.
Duy Quang