1. Tài chính

Các chuyên gia: Nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump sẽ mang lại nhiều điều khó dự báo cho thị trường

"Việc cắt giảm thuế là nguyên nhân đằng sau đợt tăng giá... và nhìn chung, có nhận định rằng thị trường ưa thích Đảng Cộng hòa, mặc dù chắc chắn hiệu suất trong vài năm qua của Đảng Dân chủ không hẳn là tệ", Steve Sosnick, chiến lược gia của Interactive Brokers cho biết.

Nhưng các chuyên gia cho biết, khi sự rõ ràng trên thị trường xuất hiện, sự gia tăng trở lại của lạm phát từ thuế quan thương mại và chi tiêu bổ sung của chính phủ có thể gây rủi ro cho động lực của thị trường và làm giảm bớt việc cắt giảm lãi suất từ Fed.

“Đợt tăng đột biến trên thị trường ở một mức độ nào đó là phản ứng trước kỳ vọng về tăng trưởng vững chắc, bãi bỏ quy định, cắt giảm thuế… Nhưng mặt khác, tất nhiên là nó có thể dẫn đến lạm phát lớn hơn và thâm hụt tài chính lớn hơn”, Sonal Desai, Giám đốc đầu tư của Franklin Templeton Fixed Income cho biết.

"Nếu lạm phát chứng minh là gia tăng trở lại… chúng tôi nghi ngờ 12 tháng nhiệm kỳ cuối cùng của Chủ tịch Fed Jerome Powell (tháng 5/2025 đến tháng 5/2026) là một rủi ro đáng kể đối với nhà đầu tư, được khuếch đại bởi những hậu quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026 của Mỹ đang đến gần", Barry Bannister, chiến lược gia của Stifel cho biết.

Deutsche Bank dự đoán các chính sách tài khóa, thương mại và nhập cư của chính quyền Trump có thể dẫn đến việc điều chỉnh tăng dự báo lạm phát của ngân hàng này. Deutsche Bank dự báo lạm phát có thể tăng khoảng 0,5% vào năm 2026 lên khoảng 2,5%, chủ yếu là do tác động lạm phát của thuế quan.

Trong khi đó, việc ông Trump yêu cầu Robert Lighthizer, cựu Đại diện Thương Mại Mỹ quay trở lại có thể báo hiệu một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với thuế quan. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ông Lighthizer đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, áp dụng thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu và giúp đàm phán lại thỏa thuận thương mại của Mỹ với Mexico và Canada.

Theo Morgan Stanley, cổ phiếu phần cứng nằm trong số các cổ phiếu công nghệ "có nguy cơ cao nhất" do điện thoại thông minh, PC, máy tính bảng, thiết bị đeo và máy chủ vẫn chủ yếu được lắp ráp tại Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế kỳ cựu Nouriel Roubini, viễn cảnh về thuế quan cùng với việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 là một sự kết hợp “cực kỳ nguy hiểm” đối với nền kinh tế và thị trường và có thể dẫn đến giá hàng hóa cao hơn.

“Nếu hiểu theo nghĩa đen những gì ông ấy muốn làm về thương mại, tiền tệ, chính sách tiền tệ và tài khóa, các chính sách đó sẽ cực kỳ nguy hiểm", nhà kinh tế kỳ Nouriel Roubini cho biết.

Những ý tưởng liên quan đến thuế khác do ông Trump đưa ra, bao gồm việc hạ thuế suất thuế doanh nghiệp xuống 15% và cam kết chấm dứt đánh thuế tiền tip, tiền làm thêm giờ và phúc lợi an sinh xã hội, chỉ ra thêm những rủi ro về thâm hụt đang phình to.

Ủy ban Ngân sách Liên bang ước tính các chính sách do ông Trump vạch ra trong chiến dịch của ông có thể làm tăng thêm 7.750 tỷ USD vào nợ quốc gia trong 10 năm tới, một phần là do các kế hoạch gia hạn cắt giảm thuế, cắt giảm thuế hơn nữa cho các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ, và mở rộng trục xuất.

Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn đang cố gắng đánh giá đường đi của lãi suất toàn cầu và đồng đô la dưới thời ông Trump, những lời cam kết về chính sách của ông phần lớn được xem là thúc đẩy lạm phát ở Mỹ. Hơn nữa, các kế hoạch áp thuế của ông Trump có thể sẽ gây ra thiệt hại không cân xứng cho một số thị trường mới nổi lớn hơn, chẳng hạn như Mexico và Trung Quốc.

Cathy Hepworth, Giám đốc bộ phận nợ thị trường mới nổi tại PGIM cho biết, vẫn còn nhiều điều mà thị trường chưa biết - bao gồm các chính sách quan trọng và cách chúng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế và thanh khoản.

“Hiện tại, chúng tôi cho rằng sẽ có một số biến động ở biên độ đối với các thị trường mới nổi… Chênh lệch lợi suất cao hơn, có các động lực đặc thù, có khả năng sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn", ông cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Tin khác