Cả nước có 11.200 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9
Với những số liệu trên, Tổng cục Thống kê đánh giá so với tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới đã giảm 16,3%, 25,5% về vốn đăng ký và 12,3% về số lao động.
So với cùng kỳ năm trước, sự giảm sút vẫn tiếp diễn với 5% về số doanh nghiệp, 5,8% về vốn đăng ký và 16,3% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,3 tỷ đồng, giảm so với cả tháng trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, gần 6.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước nhưng tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, tính chung 9 tháng của năm 2024, nền kinh tế ghi nhận gần 121.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1.158.500 tỷ đồng và hơn 735.000 lao động. So với cùng kỳ năm trước, con số này tăng 3,4% về số doanh nghiệp và vốn đăng ký, nhưng giảm 3,4% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 9 tháng đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong chín tháng giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, hơn 61.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên hơn 183.000, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân bổ theo khu vực kinh tế, nhóm dịch vụ dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 92.400 doanh nghiệp (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước), tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng là 28.300 doanh nghiệp (tăng 0,9%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 1.204 doanh nghiệp (giảm 5,6%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo quý 3, cho thấy sự lạc quan nhất đến từ khu vực doanh nghiệp FDI với 84,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 tốt hơn hoặc ổn định so với quý 3. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và Nhà nước lần lượt là 81,7% và 81,1%. Về khối lượng sản xuất và đơn đặt hàng, cả trong nước và xuất khẩu đều cho thấy sự lạc quan tương đối với tỷ lệ doanh nghiệp dự báo tăng trưởng trong quý 4 cao hơn so với quý III.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 9/2024, có 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,6% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023; 7.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 43,6% và tăng 40,5%; có 1.605 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7% và tăng 26,8%.
Tính chung số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời trong 9 tháng là 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, với số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động (20,3 nghìn doanh nghiệp) cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (18,2 nghìn doanh nghiệp) cho thấy khu vực doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực.
Những số liệu trên cho thấy sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, phản ánh sự thận trọng của các nhà đầu tư trước những biến động kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cho thấy sức sống và sự lạc quan vẫn còn hiện hữu trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, triển vọng tích cực từ khu vực FDI cũng là một tín hiệu đáng chú ý. Sự phục hồi và phát triển của thị trường doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào việc giải quyết hiệu quả các thách thức kinh tế vĩ mô và triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nguyễn An