Bước đột phá trong ứng dụng công nghệ số vào quản lý tín dụng chính sách
Những ngày giữa tháng 11/2024, chúng tôi có mặt tại điểm giao dịch xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Không giống như những buổi giao dịch trước, lần này cán bộ NHCSXH không cần nhập dữ liệu về kết quả thu lãi, thu tiết kiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bởi từ tháng 11 này, các tổ trưởng tổ TK&VV đã thực hiện nhập thông tin về tổ của mình trên ứng dụng QLTDCS.
Bà Trần Thị Hà, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Mai Thành, xã Mai Pha chia sẻ: Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, khi cài đặt ứng dụng QLTDCS, hằng tháng, tôi nhập các thông tin về thu lãi, thu tiết kiệm của tổ để dễ dàng theo dõi. Với ứng dụng này, tôi còn có thể chuyển khoản trả gốc cho tổ viên trong tổ và giới thiệu chi tiết về các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn nhanh chóng, thuận tiện thay vì mang theo các tài liệu, giấy tờ như trước. Ngoài ra, chúng tôi có thể quản lý tổ viên, số dư nợ, số lãi phải thanh toán, cung cấp thông tin cho tổ viên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
Cũng như bà Hà, hiện nay, 102/102 tổ trưởng tổ TK&VV trên địa bàn thành phố đã cài đặt và sử dụng ứng dụng. Ông Nguyễn Dương Thắng, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng Chi nhánh NHCSXH tỉnh, phụ trách công tác tín dụng địa bàn thành phố cho biết: Để triển khai sử dụng ứng dụng này, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, cài đặt, hướng dẫn sử dụng ứng dụng cho 100% đối tượng người dùng trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, đến nay, các đối tượng người dùng đều cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng.
Không chỉ thành phố mà phòng Giao dịch NHCSXH các huyện cũng đã và đang nỗ lực triển khai ứng dụng QLTDCS đến các đối tượng người dùng.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để công tác triển khai ứng dụng đạt hiệu quả, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai ứng dụng QLTDCS do Giám đốc chi nhánh làm trưởng ban, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh tuyên truyền, phổ biến về tính năng, hiệu quả của ứng dụng QLTDCS đến tổ chức chính trị - xã hội các cấp, ban quản lý tổ TK&VV tại cơ sở; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cài đặt sử dụng ứng dụng QLTDCS đến các đối tượng người dùng; phát động phong trào thi đua về triển khai thực hiện ứng dụng QLTDCS đến các tổ chức chính xã hội - nhận ủy thác và phòng giao dịch NHCSXH các huyện để góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.434 người dùng (gồm thành viên ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; lãnh đạo, cán bộ NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; tổ trưởng tổ TK&VV; cán bộ ban giảm nghèo xã, phường và trưởng khối, thôn) cài đặt và sử dụng ứng dụng, đạt 60% kế hoạch (trong đó có 1.016 tổ trưởng tổ TK&VV đã thực hiện giao dịch với ngân hàng thông qua ứng dụng, chiếm tỷ lệ 49,3%).
Theo đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phấn đấu đến ngày 31/12/2024, có 100% đối tượng người dùng cấp tỉnh, huyện, xã được cấp tài khoản người dùng kích hoạt tài khoản và sử dụng được tính năng của ứng dụng, trong đó có tối thiểu 50% tổ trưởng tổ TK&VV thành thạo các thao tác sử dụng ứng dụng QLTDCS phục vụ giao dịch.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 4.434 người dùng (gồm thành viên ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; lãnh đạo, cán bộ NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; tổ trưởng tổ TK&VV; cán bộ ban giảm nghèo xã, phường và trưởng khối, thôn) cài đặt và sử dụng ứng dụng, đạt 60% kế hoạch (trong đó có 1.016 tổ trưởng tổ TK&VV đã thực hiện giao dịch với ngân hàng thông qua ứng dụng, chiếm tỷ lệ 49,3%).
Ông Lương Văn Lan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn xã là trên 2 tỷ đồng với 37 hộ vay. Thông qua ứng dụng QLTDCS, tôi có thể theo dõi được số liệu về kết quả giao dịch trong tháng, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; dư nợ của từng tổ TK&VV, doanh số cho vay, thu nợ; theo dõi và quản lý được chất lượng tín dụng như lãi tồn, nợ quá hạn, các khoản vay sắp đến hạn trả gốc, từ đó có sự chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời các hộ vay, quản lý tốt hơn nguồn vốn.
Việc triển khai ứng dụng QLTDCS là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác quản lý tín dụng chính sách. Từ đó, góp phần tiết giảm thời gian đối với hoạt động giao dịch của tổ trưởng tổ TK&VV và cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch xã; cung cấp thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác cho các đối tượng người dùng về tình hình hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang tích cực chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện tổ chức tuyên truyền, cài đặt và hướng dẫn sử dụng đối với người dùng.
HIỂU LAM