1. Chứng khoán

Bức tranh lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì tích cực?

Ông Đinh Quang Hinh

Chia sẻ về những diễn biến, thông tin nổi bật trên thị trường chứng khoán trong tuần qua, ông Hình cho biết, bất chấp những thông tin tích cực về tình hình kinh tế mới công bố, VN-Index ngày 7/10 giao dịch giằng co và chốt phiên giảm nhẹ 0,1% xuống mức 1.269,9 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về sắc đỏ với tỷ lệ mã tăng/giảm là 170/202 trong khi thanh khoản chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng qua.

Dịch vụ tài chính là ngành có hiệu suất tốt nhất, dẫn dắt bởi VCI (+3,7%) và HCM (+2,1%).

VN-Index ngày 8/10 đã có diễn biến khởi sắc hơn khi tăng nhẹ 0,2% lên mức 1.272 điểm, dù có lúc xuống dưới ngưỡng tham chiếu.

Tài nguyên cơ bản là ngành có diễn biến tích cực nhất, đặc biệt là với các cổ phiếu thép như HPG (+2,1%), HSG (+1,4%) và NKG (+1,4%) khi giá bán tăng trở lại từ giữa tháng 9.

Ngành ngân hàng cũng đóng góp tích cực cho chỉ số, dẫn đầu là LPB (+4,9%), tiếp theo sau là TCB (+1%), HDB (+1,3%) và VPB (+0,5%).

Thanh khoản cũng là điểm sáng trong phiên 8/10 khi tăng hơn 30% so với phiên trước.

Đà phục hồi được tiếp diễn trong phiên 9/10 khi VN-Index tăng 9,9 điểm lên mức 1.281,9. Dòng tiền lan tỏa giúp nhiều nhóm ngành tăng có diễn biến khả quan như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống… Các cổ phiếu hỗ trợ tích cực cho chỉ số bao gồm VHM, HPG, ACB, BID và VIC.

Tuy nhiên, khối ngoại đã bán ròng phiên thứ 4 phiên liên tiếp với giá trị gần 150 tỷ đồng, tập trung vào VPB, MWG và HDB.

VN-Index phiên 10/10 tăng 0,4% lên mức 1.286,4 điểm song hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” lại diễn ra khi tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 163/206. Chỉ số đã có lúc tăng gần 9 điểm nhờ động lực từ các cổ phiếu VN30 nhưng khi về cuối phiên chiều, áp lực bán tăng dần khiến đà tăng suy yếu.

Mặt khác, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng với giá trị 459 tỷ đồng, tập trung vào MSN, FPT và NTL.

VN-Index ngày 11/10 dù có lúc xuống dưới ngưỡng tham chiếu nhưng đã kịp lấy lại sắc xanh và chốt phiên tăng nhẹ 0,2%. Tuy vậy, thanh khoản lại giảm mạnh so với phiên liền trước trong khi khối ngoại cũng bán ròng hơn 370 tỷ đồng.

Trong phiên, VHM là cổ phiếu đáng chú ý nhất khi vừa là nhân tố đóng góp tích cực nhất chỉ số với 1,6 điểm đồng thời cũng bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với giá trị 216 tỷ đồng.

Kết tuần, VN-Index tăng 1,4% lên mức 1.288,4 điểm, HNX-Index giảm 0,6% xuống 231,4 điểm và UPCoM-Index tăng 0,2% lên mức 92,6 điểm.

Tuần qua, VCB (-0,9%), MWG (-2,9%) và VNM (-1,2%) là mã gây áp lực lên chỉ số. Ngược lại, VHM (+5,1%), MSN (+7,3%) và FPT (+4,1%) là các nhân tố hỗ trợ thị trường.

Thanh khoản tuần cũng giảm 17,9% xuống 15.230 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 664,1 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 303,8 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 287,8 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 72,5 tỷ đồng trên UPCoM.

Nhận định triển vọng thị trường và khuyến nghị cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới, ông Hình cho biết, thị trường hướng đến nửa cuối tháng 10 với nhiều sự kiện quan trọng. Cụ thể, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 chuẩn bị bắt đầu sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chúng tôi kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý 3 sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái. Nếu bức tranh lợi nhuận của thị trường tích cực như kỳ vọng sẽ là cú hích tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024”, ông Hinh chia sẻ.

Ngoài câu chuyện về kết quả kinh doanh, thị trường cũng hướng sự chú ý tới những diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) vào đầu tháng 11.

Hiện tại, thị trường vẫn tin vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Hơn thế nữa, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ có những tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu.

“Trong bối cảnh nhà đầu tư đang nghe ngóng và chờ đợi những diễn biến quan trọng tới đây, việc thị trường giao dịch chậm và thận trọng có thể tiếp diễn trong tuần tới. Nhiều khả năng chỉ số VN-INDEX có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp tại 1.260-1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu ở mức hợp lý, có thể cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-INDEX tiệm cận vùng cận trên quanh 1.300 điểm. Ngược lại, nhà đầu tư có thể mua vào, gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số lùi về hỗ trợ quanh 1.260 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện trong 2 quý cuối năm, bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ)”, ông Hinh khuyến nghị.

Trần Hương

Tin khác