1. Chứng khoán

Bức tranh cổ phiếu ngành gạo: Khó thêm khó, sắc xám chủ đạo

Ấn Độ vừa thông báo các quy định mới đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh lượng tồn trữ gạo trong nước tăng mạnh và nông dân chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới.

Hàng loạt biện pháp được Ấn Độ triển khai như giảm một nửa thuế xuất khẩu gạo, từ 20% xuống 10%, giảm thuế xuất khẩu gạo lứt (brown rice) và thóc (husked rice) xuống 10%. Thông báo cũng cho biết các lô gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ (semi-milled or wholly-milled) sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào.

Trước đó, từ giai đoạn tháng 8/2022 đến tháng 9/2023, Ấn Độ liên tục tung ra hàng loạt quy định nhằm giảm xuất khẩu gạo. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu gạo của nước này đã giảm từ 35% xuống 30% tổng xuất khẩu của thế giới.

Mặc dù Ấn Độ chiếm 26% tổng sản lượng gạo toàn cầu, 30% trong tổng xuất khẩu gạo toàn cầu nhưng sau đó giá gạo không tăng do sản lượng gạo thế giới vẫn tăng tốt trong giai đoạn 2022-2024 khiến thâm hụt cung – cầu cải thiện.

Đề cập tới động thái trên của Ấn Độ, đội ngũ phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy Ấn Độ hiện đang phải gánh chịu lượng tồn trữ gạo cao kỷ lục. Hiện tại, cung – cầu đã về 0, tức là tình trạng thiếu cung đã kết thúc trong khi sản lượng gạo toàn cầu tiếp tục được USDA dự báo tăng 1,3% cho niên vụ 2024/2025.

“Chúng tôi cho rằng, với quy định mới thúc đẩy xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm gia tăng nguồn cung gạo xuất khẩu, tạo nhiều áp lực giảm giá gạo gồm giá xuất khẩu và giá trong nước, đồng thời cũng làm tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam như LTG, PAN, TAR, AGM, AFX…”, các chuyên gia Yuanta nhận định.

Le lói điểm sáng

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp gạo giao dịch kém khả quan từ đầu năm nay. Điều này là dễ hiểu khi các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng sủa.

Cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hiện chỉ còn 13.700 đồng/CP, giảm mạnh gần 50% so với vùng giá gần 26.000 đồng/CP hồi đầu năm 2024.

Trước những diễn biến liên quan hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến nhân sự cấp cao của Lộc Trời liên tiếp biến động.

Mới nhất, ông Tiêu Phước Thạnh, Thành viên Ban Kiểm soát có đơn xin từ chức với lý do cá nhân. Ông Thạnh còn giữ chức Trưởng Ban kiểm soát của CTCP Nông sản Lộc Trời, một công ty thành viên quan trọng của Lộc Trời. Ông Thạnh còn là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Hiếu Nhân, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài và CTCP Lương thực Hưng Phước. Đây đều là các công ty liên kết của Lộc Trời với tỷ lệ sở hữu từ 46-48%.

Trước đó, ông Johan Sven Richard Boden, Thành viên HĐQT LTG đã nộp đơn từ chức. Ngoài Lộc Trời, ông Johan Boden còn được biết đến là Tổng giám đốc Công ty TNHH DenEast Việt Nam, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

Ông Johan Boden chỉ mới được bầu vào HĐQT Lộc trời nhiệm kỳ 2024 - 2029 cách đây 2 tháng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn. Nếu đơn từ nhiệm được thông qua, HĐQT Lộc Trời sẽ chỉ còn 4 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT là ông Huỳnh Văn Thòn, ông Mandrawa Winston Leo, ông Võ Trí Thành và bà Vũ Hồng Trang.

Vào ngày 22/7, bà Nguyễn Thị Thúy, Thành viên BKS Lộc Trời cũng có đơn từ chức. Như vậy, Ban kiểm soát Lộc Trời hiện chỉ còn Trưởng ban Uday Krishna.

Cùng thời điểm trung tuần tháng 7/2024, HĐQT Lộc Trời công bố miễn nhiệm chức Tổng giám đốc của ông Nguyễn Duy Thuận.

Trong thư ngỏ, Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động của Công ty đến khi có quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc mới. Ông Thòn cũng cam kết sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ hoàn thành mọi trách nhiệm và nghĩa vụ với các cơ quan quản lý, đối tác, ngân hàng, nhà phân phối, bà con nông dân...

Đến thời điểm hiện tại, Lộc Trời vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 và báo cáo tài chính bán niên năm 2024. Công ty tiếp tục xin gia hạn thời gian công bố do chưa thể khắc phục được các sự kiện bất khả kháng.

Kết thúc quý I/2024, LTG lỗ ròng gần 97 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 81 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Tại đại hội cổ đông hồi tháng 6, công ty đặt mục tiêu lãi 50 tỷ đồng năm 2024.

Doanh nghiệp gạo đứng trước nhiều khó khăn

Nhiều mã cổ phiếu của doanh nghiệp ngành gạo khác cũng chung diễn biến ảm đạm như mã AGM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), mã TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An).

Cụ thể, mã AGM hiện có giá hơn 4.000 đồng/CP, có lúc thị giá đã về dưới 3.000 đồng/CP, nằm trong nhóm cổ phiếu thị giá dưới mệnh giá.

6 tháng đầu năm 2024, Angimex chỉ đạt gần 151 tỷ đồng doanh thu, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty không còn doanh thu từ hoạt động bán xe Honda, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa, trong khi giá vốn cộng thêm các khoản chi phí nên công ty báo lỗ sau thuế 99,5 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ của cùng kỳ năm trước lỗ 57,7 tỷ đồng.

Hay cổ phiếu TAR đã giảm gần một nửa giá trị kể từ đầu năm, từ vùng hơn 9.000 đồng/CP xuống còn 5.000 đồng/CP…

Nửa đầu năm nay, Trung An ghi nhận doanh thu 3.419 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn đà tăng của doanh thu nên sau khi trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế 772 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 7,5 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận về báo cáo tài chính bán niên 2024 của TAR do vẫn còn một loạt các vấn đề đang chờ xác minh.

Vinafood có kết quả kinh doanh khả quan hơn khi ghi nhận doanh thu đạt 11.242 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm 2024, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện, đồng thời cắt giảm một số chi phí nên lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, giá cổ phiếu VFS của doanh nghiệp này cũng không có giao dịch tích cực khi đóng cửa phiên sáng đầu tháng 10 ở 13.800 đồng/CP, giảm đáng kể gần 30% so với vùng giá 19.000 đồng/CP hồi đầu năm.

Le lói điểm tích cực nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành gạo là PAN Group. Trong quý II/2024, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.378 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tổng 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hợp nhất 6.839 tỷ đồng, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, diễn biến giá cổ phiếu PAN của tập đoàn ghi nhận diễn biến tích cực nhất trong nhóm. Dữ liệu cho thấy, thi giá cổ phiếu PAN đang ở 23.700 đồng/CP, tăng giá gần 20% so với hồi đầu năm 2024, mức tăng vượt trội so với mức tăng chung của chỉ số sàn TP.HCM là gần 14%.

Huyền Châm

Tin khác