Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 11-12/11. Thống đốc NHNN Việt Nam và 2 Bộ trưởng Y tế và Thông tin – Truyền thông sẽ là những thành viên Chính phủ trả lời chính.
Bắt đầu từ sáng nay (11/11), dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung phiên giám sát này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Phần lớn thời gian còn lại của buổi chiều nay và 55 phút phiên làm việc sáng mai (12/11), Quốc hội chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan sẽ là người trả lời chính, về việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Nội dung chất vấn còn về thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước đó, thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn là Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, bắt đầu từ 8h20 phút và kết thúc lúc 14h15 phút.
Nội dung chất vấn tập trung nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Đó là việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.
Cạnh đó là công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sôi nổi với những câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm. Thị trường vàng, với vai trò là một phần quan trọng trong nền kinh tế tài chính, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu.
Đại biểu Lưu Văn Đức, đoàn Đắc Lắc chất vấn: “Bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc đầy đủ hiệu quả kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp và quản lý thị trường. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào? tác động đến giá vàng và thị trường vàng trong hiện tại và tương lai ra sao?.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng:
“Diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, đoàn Đồng Nai cho biết, trên thế giới có rất nhiều nước thị trường phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Một số nước trên thế giới thành lập sàn vàng. Bên cạnh chúng ta là Trung Quốc có thành lập một sàn vàng rất lớn ở Thượng Hải. Tuy nhiên trong khu vực của chúng ta cũng có những nước không thành lập sàn vàng. Việc thành lập sàn vàng thì cũng có những mặt tích cực, các giao dịch sẽ được minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân của doanh nghiệp của các chủ thể cũng sẽ được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng thì đi kèm cũng đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam của chúng ta không phải là nước sản xuất vàng cho nên khi vàng để giao dịch giữa các chủ thể trong thị trường thì có thể cũng phải nhập thị trường vàng quốc tế”.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc, các đại biểu tiếp tục tranh luận lại, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng:“Hiện nay 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp có chi nhánh mua bán và các địa điểm giao dịch rất nhiều nơi nên. Việc người ta không mua thì cũng có thể là do một số nguyên nhân, đặc biệt đối với biến động của thị trường vàng rất cao. Chúng ta thấy được giá vàng thế giới có thể trong một ngày giá vàng tăng cao lại xuống, thì mỗi một doanh nghiệp người ta bán hay người ta mua người ta phải cân nhắc phòng ngừa rủi ro. Ví dụ như mua vàng của người dân, mức giá này nhưng đến lúc giá vàng xuống người ta bán người ta sẽ bị rủi ro. Chính vì như thế đối với mặt hàng vàng thì bao giờ Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo đây là mặt hàng biến động rất khó lường phức tạp. Nếu như để đầu tư đối với mặt hàng này thì nó sẽ chịu rủi ro sẽ mất tiền khi mà mình mua bán”.
“Tháo gỡ khó khăn trong chứng minh nguồn gốc của vàng”, đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh kiến nghị: “Nhiều loại vàng, nhất là những tài sản do cha ông để lại thì không thể chứng minh được nguồn gốc. Và cũng bởi thành lập từ những cửa hàng kinh doanh của gia đình nên họ làm theo thói quen vốn có và có sai sót trong sổ sách, chứng từ. Khó khăn phải chứng minh nguồn gốc là có thực và rộng khắp cả nước. Với tinh thần chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đại biểu chất vấn Thống đốc có thể tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ những khó khăn này không?"
Câu chất vấn của đại biểu Trần Hữu Hậu chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thống đốc cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính cân nhắc, đánh giá. Nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng câu hỏi liên quan đến nhiều Bộ, ngành, nhiều chính sách, đề nghị Thống đốc phối hợp với bộ ngành trả lời đại biểu bằng văn bản.
Chất vấn giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lãi suất tại các nước lớn có xu hướng giảm, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lên tỷ giá của tiền Việt Nam; qua đó gây áp lực lên giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam và làm tăng giá thành. Thống đốc cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá? Đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bám sát vào mục tiêu theo luật định, góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam. Góp phần kiểm soát lạm phát như vậy sẽ góp phần ổn định cho đồng Việt Nam. Điều hành tỷ giá ngoại hối thì cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường. Hiện nay cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5% thì chúng tôi theo dõi sát diễn biến trong trường hợp mà tỷ giá có biến động quá lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp, bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, đây là một thị trường tác động bởi tâm lý kỳ vọng thì Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng đối với công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về định hướng, chính sách”.
Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, vì vậy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.
Về điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn Hải Dương chất vấn: “Lạm phát CPI bình quân năm 2023 là 3,25 %, 8 tháng đầu năm 2024 tăng nhẹ lên 4,4 % nhưng lạm phát cơ bản chỉ có 2,71 %, thấp hơn lạm phát chung góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Thống đốc có nên tiếp tục điều chỉnh lãi suất hay có các chính sách can thiệp khác để hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu không? Ngân hàng Nhà nước có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay”
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời: “Lạm phát được kiểm soát như thế thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện các giải pháp để ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, muốn đẩy tín dụng ra thì cũng phải phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và người dân. Bởi vì sau khi đại dịch Covid 19 thì nhiều doanh nghiệp và người dân rất khó khăn, cho nên cũng chưa cải thiện được tình hình. Xu thế chính sách tiền tệ thắt chặt của thế giới đã giảm bớt rồi thì đơn hàng hay tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Trong thời gian tới có thể là tín dụng sẽ tăng lên, đến tháng 10 thì tín dụng tăng khoảng 10 % nhưng mà hai tháng cuối năm thường tăng cao và nhiều khả năng năm nay sẽ đạt được khoảng 15 %””.
Về giải pháp tăng cường kích cầu, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Bà Rịa -Vũng Tàu đặt câu hỏi và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời:“Với các chính sách tăng cường kích cầu, ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào trong các lĩnh vực để kiểm soát sự gia tăng rủi ro trong hệ thống từ các biện pháp kích thích tăng kinh tế ngắn hạn và giải pháp xử lý các vấn đề về nguy cơ bong bóng trong các lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính. quá trình điều hành Ngân hàng Nhà nước và chúng tôi thường xuyên theo dõi và khi lạm phát có thể kiểm soát được theo mục tiêu của Quốc hội đề ra thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã tu hành và đưa ra dự kiến tăng trưởng định hướng tín dụng năm 2025 thì cũng tương tự là phấn đấu khoảng 15 %. Tuy nhiên, trong trường hợp có những áp lực lạm phát. Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ phối hợp tích cực với các bộ, ngành điều hành chính sách vĩ mô liên quan”
Đại Trần Hồng Nguyên, đoàn Bình Thuận đề nghị Thống đốc đánh giá về tình hình nợ xấu và các giải pháp để kiểm soát nợ xấu. Bởi theo đại biểu nếu không giảm được nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc có giải pháp cụ thể nào khi tình huống xảy ra.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, đến cuối tháng 9 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bản ở mức 4,55%, gần bằng cùng kỳ 2023 và tăng hơn mức 2% năm 2022. Hệ thống ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp điều hành giảm tình trạng nợ xấu:
“Điều hành thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để mà tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để mà giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân và trong giai đoạn mà nền kinh tế chịu tác động bởi covid 19. Cho đến nay hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính Chính phủ mình giảm khoảng từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng” - Thống đốc cho hay.
Về chính sách hỗ trợ của ngân hàng nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng năng nề bởi cơn bão số 3, đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành Ngân hàng có các chính sách hỗ trợ gì đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thống kê trên phạm vi 26 tỉnh, thành phố bị tác động nghiêm trọng bởi cơn bão thì số dư nợ tín dụng của khách hàng bị thiệt hại thì vào khoảng 190.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ngân hàng nhà nước đã tập trung một số giải pháp:
“Ngân hàng Nhà nước cũng đang trong quá trình hoàn thiện đến bước cuối cùng để ban hành một thông tư mới sẽ tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay của các doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố. Chúng tôi cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải xem xét và miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão và đến nay có 35 tổ chức tín dụng đã công bố và với tổng giá trị gói tín dụng là 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới và hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu.
Băn khoăn về tình hình sức khỏe hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương đặt câu hỏi: “Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21 % dù Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về tín dụng. Xin Thống đốc cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của chúng ta đề ra là khá cao so với giai đoạn 20212024 vừa qua”.
Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: doanh nghiệp dựa vào nhiều nguồn vốn để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng nhà nước cần đáp ứng yêu cầu:
“Các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay mà điều kiện quan trọng nhất đó là khách hàng đó là phải có khả năng trả nợ. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ thì doanh nghiệp và người dân phải có dự án kinh doanh phương án khả thi cũng đòi hỏi các giải pháp phối hợp hỗ trợ từ rất nhiều các bộ, ngành liên quan từ công tác về thị trường tư vấn về pháp lý, giải pháp về sản phẩm, giải pháp về bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng”- Thống đốc trả lời.
“Chia lửa” cùng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Ngọc Thành/VOV.VN