1. Tài chính

Bộ Tài chính hoàn thành hơn 97% dự toán thu ngân sách nhà nước

Báo cáo về kết quả thực hiện chương trình công tác tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 10 ước đạt 178,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,5% dự toán, tăng 8,8% so với bình quân thu 9 tháng đầu năm. Tính lũy kế 10 tháng, thu NSNN ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 97,2% dự toán và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thu ngân sách trung ương đạt 101,7% dự toán, trong khi thu ngân sách địa phương đạt 92,7%.

Ở chiều ngược lại, chi ngân sách nhà nước trong tháng 10 ước tính là 155,4 nghìn tỷ đồng. Tổng chi trong 10 tháng đầu năm đạt khoảng 1.399,7 nghìn tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách được đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Cân đối ngân sách vẫn được giữ vững nhờ việc phát hành 298,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 11,1 năm và lãi suất 2,52%/năm.

Bộ Tài chính hoàn thành hơn 97% dự toán thu ngân sách nhà nước

Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tính đến tháng 10/2024, 106 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án tái cơ cấu. Trong 10 tháng, việc thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp đã thu về 157 tỷ đồng từ giá trị vốn 145 tỷ đồng, còn các tập đoàn và tổng công ty thoái vốn tại 3 doanh nghiệp, thu về 182 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng tích cực trong hợp tác và hội nhập quốc tế. Tháng 10 chứng kiến việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 131/2024/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel giai đoạn 2024 - 2027. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và tổ chức các cuộc đối thoại chính sách tài chính với Australia, đồng thời tham gia đàm phán dịch vụ tài chính trong khuôn khổ ASEAN.

Báo cáo cũng cho thấy, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều diễn biến tích cực với 725 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, 8,375 triệu tài khoản giao dịch và giá trị giao dịch bình quân tháng 10 đạt 18,042 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 7,1% so với tháng trước. Tính bình quân 10 tháng, giá trị giao dịch tăng 25,9% so với năm 2023. Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý và giám sát thị trường, ban hành 439 quyết định xử phạt với số tiền hơn 53,97 tỷ đồng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu sôi động với 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 10, đạt tổng khối lượng 52,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tính lũy kế 10 tháng, có 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 315,2 nghìn tỷ đồng, tăng 70,6% so với năm ngoái. Quy mô giao dịch bình quân tháng 10 đạt 12,02 nghìn tỷ đồng, trong khi bình quân 10 tháng đầu năm tăng 71,7% so với 2023.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường ghi nhận sự biến động khi tổng doanh thu phí bảo hiểm 10 tháng đầu năm đạt 184.231 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12,6%, nhưng bảo hiểm nhân thọ lại giảm 6,17%. Dù vậy, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng mạnh 23,36%, đạt 71.118 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước tính 841.183 tỷ đồng, tăng 12,6%.

Bộ Tài chính cũng tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tháng 10 ghi nhận 7.876 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 7.815,693 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi nộp NSNN 1.185,478 tỷ đồng. Ngành thuế và hải quan cũng tham gia quyết liệt, thu về hàng nghìn tỷ đồng từ các cuộc kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính.

Phùng Xuân

Tin khác